Ông Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, nhấp chuột vào video ngắn do người đồng nghiệp Bùi Trọng Hiền vừa gửi. Tiếng chiêng vang lên, lan ra không gian. "Bùi Trọng Hiền mới gửi tôi một video mới làm về chỉnh chiêng. Hay! Cái tiếng chiêng đó đúng với Tây nguyên ngày xưa, âm thanh của nó đúng. Quá tuyệt! Tóm lại, trả lại giọng chiêng Tây nguyên cho người Tây nguyên trên cơ sở nghiên cứu âm thanh của các dàn chiêng cổ", nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói. Là người anh trong nghề nhiều năm của Bùi Trọng Hiền, ông Loan luôn dõi theo ông Hiền qua nhiều dự án âm nhạc dân tộc.
Video ngắn nói trên được thực hiện ngay trong những ngày tháng 7 - 8.2024, khi ông Hiền tiếp tục đứng lớp hướng dẫn cách chỉnh chiêng cho đồng bào dân tộc ít người ở Tây nguyên. Những người tham gia được học cách nghe những đoạn âm thanh do chiếc chiêng của mình tấu lên, xem đã đúng với âm thanh của đại ngàn vẫn vang vọng từ chiêng cổ qua bao đời hay chưa. Sau cùng, nếu âm thanh của chiêng còn chưa đúng, họ được hướng dẫn dùng búa gỗ để gõ lên mặt chiêng, chỉnh dần tiếng cho đúng. "Ngày nào tôi cũng nghe tiếng chiêng, tiếng búa gõ chỉnh chiêng từ sáng tới tối", ông Hiền nói.
NHỮNG NGÀY CHỈ NGHE… CHIÊNG
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết ông đã lo lắng cho thanh âm chiêng từ rất lâu rồi, khi một số nghi lễ không còn được tổ chức thường xuyên như trước. Những bộ chiêng nghi lễ không có chỗ để tấu lên rồi dần dần bị sai âm đi. Quan trọng hơn, người thế hệ sau không được nghe tiếng chiêng cổ nên cũng không biết tiếng chiêng đại ngàn phải thế nào. Cộng thêm thói quen nghe nhạc kiểu phương Tây càng khiến tiếng chiêng xưa trở nên xa vời. "Tới 2022, tôi tham gia Ban giám khảo Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ nhất. Trong cuộc liên hoan đó, có rất nhiều dàn cồng chiêng sai âm, bị phô nhưng người dân vẫn biểu diễn", ông Hiền nhớ lại.
Sự bàng hoàng từ hội thi này đeo bám ông Hiền rất lâu. Nó ám ảnh người đã ghi âm tiếng cồng chiêng xưa, đã sống ở Tây nguyên để nghiên cứu cồng chiêng đến mức luôn gọi đồng bào là những "người anh em Trường Sơn thân thiết". Khảo sát thời kỳ 2022 - 2023 cũng cho thấy ở Kon Tum không còn mấy người chỉnh chiêng giỏi. Điều này càng khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn. Ông Hiền đề xuất dự án tập huấn chỉnh âm cồng chiêng với Sở VH-TT-DL Kon Tum, rồi bắt tay thực hiện vào tháng 6.2023, với 14 nghệ nhân tham gia. Cùng năm, Sở VH-TT-DL Gia Lai cũng mời ông về hướng dẫn chỉnh chiêng. "Tôi muốn bình dân hóa nghệ thuật chỉnh chiêng, muốn người biết chỉnh dạy lại người chưa biết", ông Hiền nói.
Trong suốt quá trình dạy chỉnh chiêng, ông Hiền cũng có sự giúp đỡ của một người bạn là NSƯT Phạm Chí Khánh. Ông Khánh là nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhưng lại có nghề "tay trái" chế tác và buôn bán nhạc cụ. Nhờ đó, ông Khánh rất giỏi chỉnh nốt cao thấp cũng như xóa tạp âm cho chiêng, chưa kể ông còn nghĩ ra việc làm búa chỉnh chiêng bằng gỗ để giữ cho chiêng bền hơn.
Theo ông Đặng Hoành Loan, ông Bùi Trọng Hiền là "bộ đội chủ lực" trong các dự án dạy chỉnh chiêng cho đồng bào. "Đóng góp quan trọng của Bùi Trọng Hiền là chỉnh chiêng cho đúng với hợp âm ngày xưa", ông Loan nói.
VANG LẠI TIẾNG ĐÀN, TIẾNG HÁT Ả ĐÀO
Xen giữa những lớp dạy chỉnh chiêng, ông Hiền còn có các lớp dạy cách thức hát ả đào - một tên gọi khác của di sản văn hóa phi vật thể ca trù. Những lớp học về nhịp, về phách ca trù đã được ông Hiền triển khai từ 2017 cho CLB Phú Thị ở Hà Nội, sau đó đứt đoạn và được tái tổ chức lại năm 2020. Tại đây, ông Hiền hướng dẫn các học viên những bài bản ông đã ghi chép lại từ những nghệ nhân như cụ Quách Thị Hồ và cụ Đinh Khắc Ban. Thời điểm 2020, ông cho biết nỗ lực của mình hướng tới làm sao để xóa dần tình trạng đa số người biểu diễn ca trù bây giờ không có phách, hay đúng hơn là phách thừa thiếu lung tung. "Gõ thừa thiếu như vậy giống như chấm phẩy lung tung và không thể thành câu văn có nghĩa", ông Hiền chia sẻ.
Những bài học về đàn hát và phách đó, mới đây đã được ông xuất bản thành sách Ả đào: một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật. Trong đó, ông Bùi Trọng Hiền giải thích thế nào là khổ phách - khổ đàn, điều nhiều năm nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề, đồng thời giải thích về cấu trúc bài bản của ả đào. Phần nghệ thuật trống chầu được soạn căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20…
Về cuốn sách và những bài học ông Hiền đưa ra trong sách, ông Đặng Hoành Loan nói: "Đây có thể nói là hạt nhân nguyên tử để chúng ta có thể phát triển ra nhiều dạng nghiên cứu, đào tạo khác nhau. Từ nghiên cứu cơ bản này có thể viết ra các bài bản để học sinh luyện ngón trong khuôn khổ của các cụ. Nhờ đó, có thể truyền dạy ả đào trong nhạc viện. Nhạc này cần được đào tạo trong nhạc viện. Cuốn này sẽ cần cho các nhạc viện nếu muốn đào tạo đàn đáy, gõ phách, thì phải căn cứ vào đây. Tôi đánh giá rất cao nghiên cứu này vì nó là nghiên cứu cơ bản".Ông Đặng Hoành Loan nhận định thêm những kiến thức âm nhạc trong cuốn sách của ông Hiền rất sâu. "Phần viết về lịch sử cô đầu thì dễ đọc, nhưng phần viết về cốt lõi trong cấu trúc âm nhạc ca trù thì không phải ai cũng học được, phân tích được, hiểu được", ông Loan nói. Chính vì thế, phải kết hợp song song giữa đọc sách và thực hành dưới sự hướng dẫn của ông Hiền.
Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh năm 2005, là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tổ chức này ghi danh. Năm 2009, đến ca trù được ghi danh trong danh sách của UNESCO. Kể từ đó đến nay, việc bảo tồn và phát triển của 2 di sản này luôn gặp không ít thách thức. Với không gian văn hóa cồng chiêng, đó là nỗi lo về việc bị sân khấu khóa không gian. Với ca trù, việc học bài bản bị chậm chạp do nghệ nhân ít dần và cũng ít khả năng truyền nghề trực tiếp.
"Nên người làm hiệp sĩ cho di sản âm nhạc UNESCO như Hiền là rất quý", ông Đặng Hoành Loan kết luận.
Theo Thanh niên