Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng Covid-19 trên toàn quốc là trên 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng, gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Riêng nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.810 tỷ đồng (tương đương 245% kế hoạch dự toán), hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng.
Trong đó, trên 1,21 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với tổng số tiền 4.259 tỷ đồng.
482.265 người lao động ngừng việc được hỗ trợ gần 635 tỷ đồng.
2.650 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 10,5 tỷ đồng.
Có 24.400 người lao động mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người.
Có 707.353 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 473 tỷ đồng. 52.850 trẻ em, 10 người cao tuổi và 04 người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người. Các địa phương có số kinh phí hỗ trợ lớn là: Long An, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, Đồng Nai. Một số địa phương đã ban hành chính sách không thu tiền ăn của đối tượng F0, F1 tại các cơ sở cách ly, điều trị tập trung nên không báo cáo số liệu cụ thể về chính sách này.
253.555 hộ kinh doanh được hỗ trợ với kinh phí 718 tỷ đồng. Các địa phương có số kinh phí hỗ trợ lớn là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Theo báo cáo, có trên 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết,… Các địa phương có số kinh phí hỗ trợ lớn là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Cần Thơ, Trà Vinh. |
PVH