Chị Ei Thandar Soe, người Myanmar, cùng chồng đến Nhật Bản vào năm 2016 với tư cách là thực tập sinh kỹ năng. Tháng 2 năm ngoái, chị sinh con gái đầu lòng. Do chỉ nói được rất ít tiếng Nhật và không thể đọc hiểu, chị gặp nhiều khó khăn liên quan đến giấy tờ, thủ tục, từ thông tin tiêm chủng cho trẻ đến hướng dẫn nuôi dạy con.

Theo chị EI Thandar Soe: Ở Myanmar, các bà mẹ khi sinh con chỉ phải làm một loại giấy tờ. Còn ở đây, tôi liên tục nhận được vô số tài liệu từ lúc mang thai cho đến sau khi sinh con.

Chồng của chị Soe đi làm việc xa nhà, nên chị thường phải một mình chăm sóc con gái. Đó là lý do tại sao chị rất biết ơn khi có được sự giúp đỡ của bà Tsubonoya Tomomi, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Mother's Tree Japan, chuyên hỗ trợ các bà mẹ nước ngoài ở Nhật Bản.

Chị EI Thandar Soe bày tỏ: Một mình tôi không xoay sở nổi. Tiếng Nhật của tôi không tốt nên không thể xử lý hết các giấy tờ. Có bà Tomomi giúp thì ổn hơn nhiều.

Bà Tomomi chia sẻ động lực khiến bà muốn giúp đỡ các bà mẹ nước ngoài xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân khi còn nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc) và Anh. Mẹ bà không biết ngoại ngữ nên đã vất vả để nuôi dạy 2 chị em bà.

Tomomi sau đó làm việc tại một trường mầm non ở Nhật Bản, nơi bà tận mắt chứng kiến nhiều bà mẹ nước ngoài gặp khó khăn do rào cản ngôn ngữ và thiếu dịch vụ dịch thuật.

Bà Tsubonoya Tomomi, tổ chức phi lợi nhuận Mother's Tree Japan chia sẻ: Nhiều phụ nữ đã bật khóc khi nói về những trải nghiệm của mình lúc sinh con và nuôi con. Điều đó làm tôi nhớ đến mẹ mình. Tôi nhận ra một người phụ nữ nước ngoài sinh con ở Nhật Bản có thể khó khăn đến mức nào.

Với mong muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ, năm 2020, bà Tomomi thành lập Mother's Tree Japan, quy tụ các giáo viên mầm non, nữ hộ sinh và thông dịch viên y tế, cung cấp sự hỗ trợ bằng 12 ngôn ngữ. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ được cho hơn 1.500 bà mẹ.

Một trong những thành quả nổi bật của nhóm là loạt bảng các câu giao tiếp thường gặp về chủ đề sinh đẻ. Sản phụ có thể tải miễn phí từ trang web và chỉ vào hình ảnh tương ứng với vấn đề của mình khi cần.

Bà Wickes Kaori, tổ chức phi lợi nhuận Mother's Tree Japan: Tôi muốn làm được nhiều hơn là chỉ dịch lại những gì người ta nói. Tôi luôn cố gắng truyền đạt sự quan tâm của mình đối với họ qua mỗi câu từ.

Bà Tsubonoya Tomomi, tổ chức phi lợi nhuận Mother's Tree Japan bày tỏ: Sản phụ sống ở nước ngoài có thể cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Chúng tôi cố gắng ở bên cạnh họ và khích lệ họ thoải mái nói ra những lo lắng của mình. Tôi tin rằng việc họ cảm thấy được đón nhận cùng với văn hóa của mình quan trọng hơn là ngôn ngữ.

Mother's Tree Japan còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu để các bà mẹ đến từ nhiều nước khác nhau có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau về cách nuôi dạy con cái.

Chị Muramatsu Megumi, người dân Tokyo, Nhật Bản: Ở các nhóm giao lưu chỉ có người Nhật, tôi thường so sánh bản thân với những người khác... và tự hỏi liệu mình có làm đúng không. Còn ở đây, tôi không phải lo lắng nhiều nữa. Tôi có thể nhìn nhận việc nuôi dạy con một cách tự do, cởi mở hơn.

Theo bà Tomomi, việc thu hẹp khoảng cách văn hóa không chỉ hữu ích trong việc giúp người nước ngoài thích nghi với Nhật Bản, mà còn là cơ hội quý giá để phát hiện những quan điểm mới từ các nền văn hóa khác. Bà hy vọng Mother's Tree Japan có thể giúp mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội nuôi dạy thế hệ tiếp theo dễ dàng hơn./.

Theo antv.gov.vn