Trong gian phòng nhỏ sạch sẽ, ngập tràn ánh sáng và ấm áp của lớp học móc len Harmony Crochet (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM), bên chiếc bàn phủ khăn trắng muốt, một người đàn bà tỉ mẩn ngồi móc hoa tulip.
Gương mặt chị hoàn toàn thư giãn, đôi mắt tập trung vào đường kim mũi chỉ, thi thoảng thoáng ánh cười. Đồng hồ điểm 11 giờ trưa - khung giờ của tất bật cơm nước, của bận bịu con cái - chị vẫn bình thản với những đóa hoa của mình. Ngồi cạnh chị, một chị gái khác cũng đang bận rộn với những mảnh ghép cho chiếc túi xách bằng len. Thời gian như ngừng trôi trong mắt những người đàn bà thong thả ấy. Ai nhìn cũng nghĩ: ắt hẳn họ là những quý bà giàu có và rảnh rỗi, học cái này, cái khác để giết thời gian…
Mua một khoảng lặng
Thật bất ngờ khi biết chị Phạm Thị Hồng Vân, ngụ TP Thủ Đức - học viên của lớp học móc len này - là một người mẹ siêu bận rộn với 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, nhất là khi gánh nặng nuôi dạy, chăm sóc các con giờ dồn cả lên vai chị, bởi người chồng thương yêu đã bỏ mẹ con chị ra đi sau một tai nạn bất ngờ cách đây ít năm.
Chị tâm sự “Một ngày của tôi nếu kéo dài được 48 tiếng thì mới đủ cho mọi việc. Nhưng thực tế vẫn chỉ có 24 tiếng thôi nên mình buộc phải gói ghém, sắp xếp”. Từ chuyện lo kinh tế gia đình, đưa đón các con đi học, lo cơm nước, áo quần, rồi dạy bảo uốn nắn… một tay chị đảm đương.
|
Những học viên nhí tại lớp học móc len - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bận vậy nhưng chị Vân vẫn tranh thủ ít thời gian đi học móc len, vì “muốn tìm một khoảng lặng”. “Nếu cứ mãi cuốn theo guồng quay công việc, ngụp lặn trong cơm áo gạo tiền cho cuộc sống, lo lắng cho tương lai… chắc tôi sẽ không trụ nổi. Tôi cần có những lúc để đầu óc trống rỗng, tạm quên áp lực để còn “sạc pin” cho mình” - chị thổ lộ.
Cũng theo chị Vân, móc len không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tập trung. Chỉ cần lơ đãng, đi sai một mũi là phải tháo ra, làm lại từ đầu. Học móc len, chị rèn cho mình sự tập trung cao vào việc đang làm, sống “chánh niệm” hơn, bớt lo lắng hơn.
Có lẽ nhờ biết “buông bỏ”, lại có năng khiếu nữ công nên mới học móc được 4 ngày, chị Vân đã có thể vượt trình độ của học viên tốt nghiệp lớp móc len cơ bản, có thể làm được những món đồ lưu niệm bé xinh, làm đồ chơi cho con hay mấy thứ trang trí đơn giản.
Chị bảo sẽ sắp xếp để học lên lớp nâng cao, nhưng trước mắt sẽ xin cô giáo cho mình thường xuyên ghé lớp những khi con đi học, để được đắm mình trong không gian riêng tư, tạm quên cuộc sống nhiều lo toang.
Nhà không gần lớp học như chị Vân nhưng chị Trần Ngô Long Khanh vẫn đều đặn chạy xe từ quận Tân Phú qua TP Thủ Đức để học móc len, bất kể nắng mưa. Chị Khanh là thợ làm bánh chuyên nghiệp cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Giữa rất nhiều bận rộn, chị vẫn nhín thời gian đến lớp học móc len để có dịp được sống chậm giữa những ồn ào tất bật thường ngày. “Tôi học chỉ đơn giản để tìm chút thời gian hoàn toàn là của mình, thư giãn toàn bộ cả trong suy nghĩ và hành động” - chị Khanh tiết lộ.
Không bảng hiệu khoa trương, lớp dạy thêu tay Jumie’s House nằm giản dị trong căn hộ tầng 4 chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TPHCM). Bỏ lại những ồn ào phố thị ngoài cánh cửa, không gian nơi đây dành cho những ai thích sự tĩnh lặng.
Người tìm đến học thêu tay là những bà nội trợ, những chị gái văn phòng, các bạn trẻ muốn tìm về với cái đẹp truyền thống và cả du khách nước ngoài. Có người học thêu chỉ là để tự thêu vài cánh hoa lên bâu áo, tự làm chiếc kẹp tóc dễ thương hay thêu tặng bạn bè mảnh khăn tay nhỏ.
“Bây giờ, chỉ cần có tiền là món gì cũng mua được. Bạn bè cũng nói tôi là thời nay người ta đi học sử dụng AI, học những kỹ năng hiện đại chứ rị mọ ngồi thêu để làm gì; nhưng tôi chọn học thêu như cách để tìm cho mình khoảng thở - vừa học vừa thư giãn, thay vì la cà ở quán trà sữa, cà phê. Chưa kể mai này có con, mình thêu được cho con cái áo gối, cái yếm như bà ngoại ngày xưa cũng hay” - chị Hồ Ngọc Minh - nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận - thổ lộ.
Học nữ công để rèn trẻ tính chu đáo, kiên nhẫn
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo - chủ cơ sở móc len Harmony Crochet - cho biết, không riêng gì chị em mà lớp móc len còn đón nhận không ít học viên nhí. Học viên nhỏ tuổi nhất chị Thảo từng dạy là một bé gái 7 tuổi. Ban đầu, bé chỉ theo mẹ đến lớp chơi và học thử 3 buổi dạng trải nghiệm.
Không ngờ sau đó bé lại thật sự yêu thích bộ môn này nên xin mẹ cho học chính thức. Các em nhỏ tuổi teen, những học sinh trung học, sinh viên đại học cũng đến lớp. Cá biệt, có những học viên nam đôi khi lại là những người kiên nhẫn, chịu khó nhất.
“Những buổi đầu, các bạn cầm cây kim, sợi len còn lóng ngóng, có bạn học rất chậm, tôi vừa dạy vừa lo không biết lúc nào bạn ấy bỏ cuộc. Ấy vậy mà các bạn vẫn theo lớp đến cùng. Thường thì các bạn nam đến học để nhắm tới một mục tiêu rất rõ ràng là móc được một món cụ thể để tặng cho bạn gái, người thân như thú bông, khăn choàng cổ… Làm được rồi thì bạn xin “tốt nghiệp”. Chỉ có số ít trường hợp xác định học để theo đuổi sở thích riêng như là làm thú len dạng anime” - chị Ngọc Thảo thông tin thêm.
|
Chị Ngọc Thảo hướng dẫn học viên tại lớp dạy móc len cơ bản - Ảnh: Mai Lâm |
Một điều khá thú vị là nhiều em nhỏ hay bị ba mẹ đánh giá là vụng về, hấp tấp, thiếu tập trung thì khi học móc len lại tập được tính kiên nhẫn, chu đáo trong công việc. Chị Mai Anh - ngụ quận 7 - không giấu được vui mừng khi con gái nhỏ đã sửa được tính cẩu thả: “Con bé 10 tuổi nhà tôi rất vụng, làm đâu quên đó, làm bể chén dĩa thường xuyên.
Ở nhà, mọi người còn chọc con là “Nobita hậu đậu”. Vậy mà từ khi học móc len, bé lại cẩn thận hơn, biết lưu tâm vào việc đang làm”.
Xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhưng những giá trị truyền thống vẫn sẽ luôn có “người hâm mộ”. Các lớp học nữ công gia chánh, làm đồ thủ công như thế này cũng là một gợi ý để phụ huynh cùng con em có những ngày hè vui tươi, bổ ích.
Theo phụ nữ TPHCM