leftcenterrightdel
 Trong 5 tháng qua, hơn 1.200 trẻ em ở Sudan đã chết 

Hôm 19/9, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các ca tử vong chỉ được tính trong khoảng thời gian từ ngày 15/5 - 14/9/2023. 

Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, thêm: “Hàng chục trẻ em thiệt mạng mỗi ngày do bệnh tật, cuộc xung đột tàn khốc và sự thiếu quan tâm của toàn cầu”.

Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn từ giữa tháng 4. Cuộc xung đột đã biến thủ đô và các khu đô thị khác thành chiến trường. Theo Volker Perthes, đặc phái viên Liên hiệp quốc tại nước này, ít nhất 5.000 người đã thiệt mạng và hơn 12.000 người khác bị thương. Ông cho rằng con số thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Theo cơ quan di cư của Liên hiệp quốc, hơn 2,5 triệu người đã rời bỏ nhà cửa, trong đó có hơn 1 triệu người di cư sang các nước láng giềng.

Cuộc giao tranh đã phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước, với nhiều bệnh viện và cơ sở y tế không còn hoạt động. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, kể từ giữa tháng 4 đã ghi nhận 56 vụ tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe khiến 11 người chết, 38 người bị thương.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nhân viên y tế ở Sudan đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn các ca tử vong và sự lây lan của dịch bệnh.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc cảnh báo, cuộc xung đột cùng với nạn đói, bệnh tật... có thể sẽ tàn phá toàn bộ đất nước.

Cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho biết, nhiều người Sudan đang mắc bệnh sởi và suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em được báo cáo ngày càng tồi tệ hơn. Cơ quan trẻ em của Liên hiệp quốc cũng cảnh báo, vào cuối năm nay sẽ có thêm “hàng ngàn trẻ sơ sinh” ở Sudan tử vong vì không được tiếp cận điều trị y tế.

Vừa trở về từ Sudan, người phát ngôn của UNICEF, James Elder, nói rằng: “Những đứa trẻ sơ sinh và sản phụ cần được chăm sóc y tế, nếu không họ sẽ không tồn tại được bao lâu”. 

Theo phụ nữ TPHCM