Đầu tháng 1/2024, Eriyca Baiduri (34 tuổi) - một người có ảnh hưởng ở Malaysia - chia sẻ lên TikTok hình ảnh một rạp chiếu phim trống cùng chú thích “mình đã mua hết chỗ ngồi” vì là “kiểu người hướng nội”. Dù sau đó, cô cho biết là chỉ đùa vui nhưng nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ sở thích xem phim một mình.

Dường như rạp chiếu phim trống chính là thiên đường cho những người hướng nội. Không hẳn họ ngại ngùng hay chán ghét xã hội. Đơn giản chỉ là họ không muốn phải tương tác xã hội quá nhiều.

leftcenterrightdel
 Sau COVID-19, nhiều người cảm thấy thích ở một mình và tận hưởng những tiện ích sẵn có tại nhà - Ảnh minh họa: Getty Images

Người hướng nội được cho là lấy năng lượng từ sự cô độc. Tuy nhiên, việc sống nội tâm không liên quan gì đến việc thích ở một mình mà lại xuất phát từ một đặc điểm hoàn toàn khác: tính độc lập.

Kết quả nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội của Hiệp hội Tâm lý Mỹ năm 2002 cho thấy người hướng ngoại cảm thấy tràn đầy sinh lực khi họ nói nhiều và cởi mở, nhưng người hướng nội cũng vậy.

Trong một thử nghiệm khác, mọi người được phân ngẫu nhiên để hành động như người hướng ngoại hoặc hướng nội trong cuộc thảo luận nhóm. Hành động hướng ngoại mang lại năng lượng ngay cả cho những người hướng nội. Susan Cain - tác giả cuốn sách Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới không thể ngừng nói - cho biết: “Mọi người đều lấy năng lượng từ người khác. Người hướng nội không chống đối xã hội, họ chỉ tiếp cận nó theo một cách khác”.

Điều khiến người hướng nội trở nên khác biệt là sự nhạy cảm trước những kích thích. Họ dễ bị quá tải hơn người hướng ngoại. Trong nghiên cứu trên, khi người hướng nội thử dành cả tuần để hành động như người hướng ngoại, họ bắt đầu cảm thấy nhiều cảm xúc tiêu cực hơn, kiệt sức hơn và ít là chính mình hơn.

Trước năm 2020, nhiều người hướng nội liên tục cảm thấy căng thẳng khi sống trong một thế giới ồn ào và chuyển động nhanh chóng. Nhưng khi thế giới thoát khỏi các biện pháp hạn chế do COVID-19, nhiều người giờ đây chọn ở một mình vì cảm thấy quá choáng ngợp trước viễn cảnh phải gặp người lạ hoặc thậm chí là bạn bè. Họ vắng mặt tại các sự kiện có bán vé, nằm nhà xem phim thay vì ủng hộ buổi biểu diễn nghệ thuật, buổi hòa nhạc hoặc bữa tiệc của một người bạn. Ở Mỹ, xu hướng này đã tạo ra “nền kinh tế hướng nội”.

Theo hãng tin Bloomberg, nhìn chung người Mỹ ít đi ra ngoài hơn vào năm 2023. Dữ liệu từ Cục Thống kê lao động cho thấy, sau đại dịch, những người Mỹ dưới 50 tuổi bắt đầu các hoạt động xã hội sớm hơn và cũng về nhà sớm hơn. Những người độc thân ít tiếp cận nhau ở nơi công cộng, thích sự ẩn danh và tạo ranh giới xã hội rõ ràng khi gặp gỡ trực tuyến. Công nghệ góp phần đẩy nhanh những thay đổi trong thói quen xã hội. Nhiều lựa chọn giải trí tại nhà hơn có thể làm giảm ham muốn đi chơi hoặc ở bên ngoài. Nghiêm trọng hơn về lâu dài, nếu thế hệ trẻ tiếp tục ít giao tiếp xã hội, họ có thể cô độc hơn, dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tâm thần và sự gắn kết xã hội.

Theo nghiên cứu, người hướng nội dễ bị trầm cảm hơn người hướng ngoại. Điều này có thể do họ chia sẻ có chọn lọc, nói ít và lắng nghe nhiều hơn, đồng thời có nhiều khả năng sẽ cảm thấy cô đơn. Dù người hướng nội có xu hướng tránh đám đông, họ vẫn kết nối sâu sắc với số lượng hạn chế gồm bạn thân và những người gần gũi. Một bài viết năm 2013 của nhóm nhà khoa học từ Mỹ và Canada trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội khẳng định, khi người hướng nội đặt mình vào vòng tròn xã hội lớn hơn, họ sẽ có nhiều niềm vui hơn họ nghĩ. 

Theo phụ nữ TPHCM