"Bên em có chiếc iPhone SE 2020 chưa sử dụng, giá gần 10 triệu đồng thôi. Rẻ hơn máy chính hãng mà em vẫn bảo hành 12 tháng", Phạm Bảo, một người kinh doanh iPhone tại Hà Nội giới thiệu cho khách. Vị khách hứng thú với chiếc điện thoại mới, săm soi kỹ từng chi tiết, nhưng cuối cùng cuộc giao dịch thất bại khi bàn đến chuyện giá cả. Bảo không thể giảm giá thêm, trong khi người mua cho rằng "giá này thà ra siêu thị mua hàng chính hãng".

iPhone xách tay giá gần bằng iPhone chính hãng

Đây không phải lần đầu Bảo thất bại khi chào hàng iPhone xách tay. Thời gian qua, thị trường iPhone có nhiều biến động, từ chính sách bảo hành của hãng, nguồn hàng ảnh hưởng vì dịch bệnh, cho đến sự siết chặt trong công tác quản lý. Người mua e dè với hàng xách tay, trong khi người bán cũng không còn hứng thú.

"Trước đây, iPhone xách tay rẻ hơn hàng chính hãng 5 đến 6 triệu đồng nên dễ bán. Nay mức chênh lệch chỉ khoảng 1-2 triệu đồng. Loại hàng này giờ bán khó, lãi thấp, mà lại phiền phức nếu máy gặp sự cố", Ngọc Tình, chủ một cửa hàng điện thoại tại ở quận Tân Bình (TP HCM) cho biết.

Chẳng hạn, iPhone 11 64 GB "like new", không hộp, được cửa hàng anh Tình bán với giá 15 triệu đồng, bảo hành 6 tháng. Trong khi hàng chính hãng đang niêm yết 17 triệu đồng kèm chế độ bảo hành 12 tháng, một đổi một.

iPhone cũ, iPhone xách tay từng được chuộng vì giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Ảnh: Nguyễn Lâm

Giá iPhone chính hãng chênh lệch ít so với hàng xách tay, thậm chí người mua còn được hỗ trợ trả góp, nên nhiều người đã chuyển sang chọn hàng chính hãng cho yên tâm. Cửa hàng bán iPhone xách tay vì thế cũng phải chuyển hướng. "Chúng tôi đang chuyển dần sang bán iPhone chính hãng, mã VN/A. Khách hàng sử dụng yên tâm hơn, mà người bán cũng bớt đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện tài chính để mua loại hàng này", anh Tình nói thêm.

Dù kinh doanh iPhone xách tay đã hơn 5 năm, Phạm Bảo cho biết anh sẽ phải chuyển hướng làm ăn. Trong trường hợp chiếc iPhone SE 2020 giá gần 10 triệu đồng, Bảo không thể giảm hơn bởi sẽ không có lãi. Nguồn cung iPhone gặp khó khăn vì dịch bệnh, một chiếc iPhone khi đến tay người dùng phải qua rất nhiều khâu, vì vậy giá cũng bị đẩy lên cao.

Phạm Bảo cho biết anh tạm thời chuyển sang kinh doanh iPhone cũ, thu mua từ những người có nhu cầu "lên đời", đồng thời nhận sửa chữa điện thoại để duy trì cửa hàng, trong lúc chờ thị trường iPhone xách tay giảm giá trở lại.

Tuy nhiên, điều này có thể không xảy ra.

Nghị định 98/2020 siết chặt kinh doanh iPhone xách tay

Sự siết chặt trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng cũng khiến iPhone xách tay ngày càng hạn chế ở Việt Nam. Nghị định 98/2020 có hiệu lực từ ngày 15/10 sẽ tăng mức phạt với các cá nhân và tổ chức kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan, từ mức phạt tối đa 100 triệu đồng, lên 200 triệu đồng. Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đến 50 triệu đồng, tuỳ giá trị hàng hoá nhập lậu. Hiện nay mức phạt từ 200.000 đến 50 triệu đồng. Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

"Nếu làm đúng, mỗi chiếc iPhone nhập khẩu vào Việt Nam cần khai báo và nộp thuế đầy đủ. Khi đó cửa hàng gần như không có lãi vì chi phí bỏ ra ngang với hàng chính hãng. Nếu cố tính làm sai, cửa hàng có thể sập tiệm vì vi phạm pháp luật và sẽ phải nộp phạt số tiền lớn", Thế Vinh, chủ một cửa hàng iPhone lâu năm tại Hà Nội nhận định.

Theo anh Vinh, từ lâu các cửa hàng kinh doanh iPhone tại Việt Nam cũng hạn chế dùng từ "xách tay" trong tên gọi sản phẩm. Chẳng hạn, iPhone từ những thị trường như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc... được gọi chung là "iPhone quốc tế", hoặc "iPhone chính hãng" nhưng kèm mã thị trường, chẳng hạn LL, ZA, KH.

"Khi Nghị định 98 được thực hiện, iPhone xách tay có thể sẽ biến mất trên thị trường, hoặc xuất hiện với số lượng rất nhỏ", anh Vinh nhận định. Anh cho rằng, nếu muốn mua smartphone với ngân sách thấp, người dùng chỉ còn lựa chọn iPhone cũ hoặc các điện thoại Android tương đương.

Theo vnexpress