Tiến sĩ Balachandran Gopalan - cậu ruột của tân Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, hiện sinh sống ở Ấn Độ - cho biết chị gái ông là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới bà Harris.

Thừa hưởng

“Không nghi ngờ gì khi nói rằng Shyamala - mẹ ruột của Harris - là người tác động lớn nhất đến sự phát triển tính cách của con bé ngay từ khi còn nhỏ. Chị gái tôi luôn dặn Harris rằng ‘đừng để những người khác phải bênh vực cho con, hãy làm những gì con muốn và tự bảo vệ bản thân mình’”, ông kể lại.

Pho tong thong My Kamala Harris anh 1

Tiến sĩ Balachandran Gopalan và cháu gái Kamala Harris. Ảnh:The Straits Times.

Theo Tiến sĩ Balachandran, Harris còn được truyền cảm hứng từ ông ngoại là P. V. Gopalan - một công chức Ấn Độ cấp cao, từng giữ chức vụ Giám đốc các biện pháp cứu trợ và người tị nạn trong Chính phủ Zambia.

“Harris là một đứa trẻ luôn tò mò và ham học hỏi. Con bé luôn hỏi bố tôi về mọi thứ tại sao lại thế này hoặc vì sao không như thế kia. Có lẽ vì được nuôi dạy ở Mỹ, cháu gái tôi mạnh dạn hỏi cả những điều mà một đứa trẻ Ấn Độ thông thường không bao giờ dám thắc mắc”, ông nói.

Ông Balachandran cho biết cháu gái Harris phần nào bị ảnh hưởng bởi phong cách làm việc tận tâm, cống hiến cho xã hội của ông ngoại. Mặc dù tốt nghiệp ngành Luật thương mại, bà lựa chọn trở thành một công tố viên.

“Phẩm chất mà Harris được thừa hưởng từ gia đình chính là học giỏi không chỉ để kiếm việc làm, mà còn nhằm giúp ích cho người khác. Từ lâu, đó là châm ngôn sống của cả nhà”, tiến sĩ chia sẻ.

Pho tong thong My Kamala Harris anh 2

Ông khẳng định cháu gái mình khác biệt với những chính trị gia khác. Ảnh:AFP.

Nhưng trên hết, từ nhỏ Harris đã được dạy về tầm quan trọng của việc chống lại nạn phân biệt đối xử, đặc biệt là khi bà xuất thân từ một gia đình Ấn Độ nhập cư Mỹ, có bố là người Jamaica, dì là người Mexico.

“Gia đình tôi hài lòng với nguyên tắc: Không phân biệt đối xử mọi người dựa trên tôn giáo của họ, bất kể họ thờ cúng ai hay ăn món gì. Đây hoàn toàn là những giá trị cơ bản và bình thường của con người”, ông Balachandran nói.

Tự hào

Theo tiến sĩ, điều khiến cháu gái ông khác biệt với các chính trị gia khác là khả năng thu phục được những cá nhân có ý kiến trái chiều. Ông nhớ lại cách Harris xử lý một vụ án hình sự liên quan đến cái chết của một cảnh sát vào đầu những năm 1990.

“Harris nói rằng con bé sẽ truy tố bị can nhưng không yêu cầu mức án tử hình. Cháu gái tôi kiên quyết phản đối mức án này, bất chấp lực lượng cảnh sát gây sức ép. Về sau, khi con bé tranh cử chức luật sư quận, một trong số những sĩ quan cảnh sát từng phản đối Harris xử lý vụ án lại bày tỏ sự ủng hộ nó”, ông kể lại.

“Harris luôn có chính kiến riêng của mình và chứng tỏ cho những người khác thấy vì sao nó lại đúng. Đó là điều tôi chưa từng trông đợi ở một chính trị gia bình thường khác”, Balachandran cho biết.

Khi nhận tin cháu gái trở thành nữ Phó tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử, Tiến sĩ Balachandran cảm thấy vô cùng tự hào. Theo lời mời của bà Harris, ông dự định sẽ sang Mỹ và dự lễ tuyên thệ nhậm chức của cháu gái vào ngày 20/1 năm sau.

“Tôi đã gọi điện cho con bé và chúc mừng. Đó là một cuộc trò chuyện gia đình với nhau thông thường, không dính dáng đến chính trị”, ông nói.

Pho tong thong My Kamala Harris anh 3

Tiến sĩ Balachandran Gopalan. Ảnh:AFP.

Tiến sĩ khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ bà Harris như những bậc cha chú trong nhà và động viên cháu gái làm những điều tốt cho xã hội.

“Tôi sẽ nói cho Harris những điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng muốn dặn dò, khuyên nhủ con cái mình. Hiện con bé đang làm rất tốt. Nếu lỡ có điều gì chưa phải, tôi sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng không tỏ ra gay gắt, bất đồng quan điểm với Harris. Hơn nữa, tôi chắc chắn sẽ động viên cháu gái tiếp tục làm những việc thiện cho xã hội”, ông chia sẻ.

Tiến sĩ Gopalan Balachandran là cựu cố vấn của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Ấn Độ (IDSA). Ông theo dõi kinh tế quốc phòng, thương mại và công nghệ, quan hệ an ninh và tài chính giữa Ấn Độ - Mỹ, Mỹ - Pakistan, Trung Quốc - Pakistan.

Thời trẻ, ông học tập và nhận hai bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế và Khoa học Máy tính của Đại học Wisconsin (Mỹ).

Theo Zing