Chủ động, sẵn sàng đón dòng khách Hồi giáo

Thông tin từ Công ty CP Phát triển Tùng Lâm Yên Tử cho biết, trong 2 ngày 4 - 5.10, lần đầu tiên đơn vị này đón đoàn khách Hồi giáo gần 100 người đến trải nghiệm không gian văn hóa tại quần thể Khu danh thắng Yên Tử. Đây là một trong những kết quả của việc xúc tiến, thu hút dòng khách đặc biệt này của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua.

Khách hồi giáo thích thú trải nghiệm không gian văn hóa Yên Tử - Ảnh 1.

Du khách đến từ Malaysia tìm hiểu không gian văn hóa tại Yên Tử

LÃ NGHĨA HIẾU

Những vị khách theo đạo Hồi đa phần mang quốc tịch Malaysia. Họ là những cán bộ, nhân viên của một doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, tham quan nghỉ dưỡng tại Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) trong 4 ngày 3 đêm.

Để phục vụ dòng khách đặc thù này, thời gian vừa qua, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp theo "chuẩn Halal" (là các tiêu chuẩn được phép, theo quy tắc của đạo Hồi) nên mọi việc không có nhiều bỡ ngỡ.

Ông Michael Keller, Tổng quản lý Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử, cho biết đơn vị đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên môn cho nhân viên phục vụ về đặc tính, thói quen, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của du khách là những người theo đạo Hồi.

Khách hồi giáo thích thú trải nghiệm không gian văn hóa Yên Tử - Ảnh 2.

Khách Hồi giáo thích thú thưởng thức đồ ăn chuẩn Halal tại Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử

LÃ NGHĨA HIẾU

"Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử thường xuyên có các thực đơn dành cho người ăn chay nên việc phục vụ khách Hồi giáo không quá bỡ ngỡ với chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bổ sung thêm nhiều món ăn riêng dành cho khách này như cà ri gà, cơm mì... Đặc biệt, chúng tôi bố trí cả khu vực cầu nguyện khi khách có nhu cầu", ông Michael Keller cho biết thêm.

Cảm nhận về chuyến tham quan, nghỉ dưỡng tại Yên Tử, ông Mohamad Adli (Maylaysia), thành viên trong đoàn, hào hứng chia sẻ: "Đồ ăn tại đây mang vị hương hơi khác so với quê nhà nhưng chúng tôi rất thích. Đầu bếp tại nhà hàng có 'khoe' với chúng tôi rằng cà ri gà, cá… đều là nông sản của tỉnh Quảng Ninh".

"Điều chúng tôi thích thú nhất khi đến với quần thể danh thắng Yên Tử là nơi này có những khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, không gian văn hóa lịch sử đa dạng mà ai cũng muốn tìm hiểu. Không khí trong lành thích hợp cho nhiều thành viên tập luyện thể thao, yoga…", ông Adli cho biết thêm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Trọng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết Khu danh thắng Yên Tử có đầy đủ cơ sở hạ tầng, sự riêng tư để phục vụ những đoàn khách đến từ các nước Hồi giáo để tránh sự pha trộn. Đặc biệt, Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử có hệ thống thực phẩm khép kín, với những vườn rau ogarnic, nông trại sinh thái nơi mà du khách có thể đến tham quan và thưởng thức trực tiếp.

Xây dựng hệ sinh thái "chuẩn Halal"

Theo Cục Du lịch quốc gia, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi tiêu cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia điểm đến luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này.

Khách hồi giáo thích thú trải nghiệm không gian văn hóa Yên Tử - Ảnh 3.

Du khách Hồi giáo tham quan tìm hiểu không gian văn hóa tại Yên Tử

LÃ NGHĨA HIẾU

Theo Báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 có khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. 

Sau 2 năm đại dịch, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỉ USD. Tuy vậy, số lượng khách Hồi giáo đến Việt Nam còn khiêm tốn.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng hệ sinh thái "chuẩn Halal" còn chưa đầy đủ, đa dạng tại Việt Nam khiến cho việc hút khách tiềm năng này còn hạn chế.

"Các địa phương, doanh nghiệp cần mở rộng mạng lưới nhà hàng, xây dựng nơi cầu nguyện dành riêng cho người Hồi giáo ở những khu vực công cộng, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… đảm bảo sự riêng tự, tiện lợi cho khách ở mọi nơi, mọi thời điểm", ông Khánh nói.

Sở Du lịch Quảng Ninh thông tin, sau đại dịch Covid-19, những dòng khách truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc đã tới địa phương này giảm đi rõ rệt. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch khai thác các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ và các một số nước Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Singapore…

Để chủ động đón dòng khách tiềm năng, đặc thù tới từ các nước Hồi giáo, theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hợp tác phát triển hệ thống mạng lưới các đường bay thẳng đến Ấn Độ và các nước Hồi giáo.

Khách hồi giáo thích thú trải nghiệm không gian văn hóa Yên Tử - Ảnh 4.

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực xúc tiến quảng bá, thu hút dòng khách Hồi giáo

LÃ NGHĨA HIẾU

Địa phương này đang có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng "chuẩn Halal" có thể phục vụ cả nghìn khách/ngày. Hồi cuối tháng 9, một đoàn khách 30 người cũng tới tham quan Hạ Long. Đây cũng là lần tiên địa phương đón khách Ấn Độ theo "chuẩn Halal". Cách đây ít ngày, Khu danh thắng Yên Tử cũng đón 100 khách Hồi giáo, điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc mở rộng, khai thác thị trường tiềm năng này.

Ông Hosen Yousof, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Halal quốc gia Việt Nam, chia sẻ: "Du khách Hồi giáo cũng thích trải nghiệm những vùng đất mới, gần gũi với thiên nhiên; trải nghiệm thực phẩm từ nông nghiệp hữu cơ như: hải sản, rau xanh, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Đây là những lợi thế riêng có của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Vì vậy, nếu tận dụng được những lợi thế này trên cơ sở tôn trọng tín ngưỡng, văn hóa thì Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch Hồi giáo".

Theo Thanh niên