|
|
Persepolis là điểm du lịch được nhiều du khách check-in khi đến xứ sở “Nghìn lẻ một đêm”. |
Ngay khi nghe tin một số đường bay quốc tế mở lại, Anh Duy cùng Nguyễn Giang (Hà Nội) đặt ngay vé máy bay đến Iran mà không do dự. Mức tài chính cá nhân vừa phải, đôi bạn đặt tiêu chí chuyến đi “khi nào mệt sẽ 'xõa', lúc nào hết tiền thì siết chặt chi tiêu”, Giang chia sẻ.
Chuyến du lịch Iran của Giang và Duy kéo dài 2 tuần với tổng chi phí khoảng 34-40 triệu đồng/người bao gồm cả vé máy bay. Đôi bạn 9X chia sẻ với Zing các thủ tục, quy định với khách du lịch nước ngoài đến Iran có một số thay đổi so với trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, những thay đổi này không gây nhiều khó khăn cho khách du lịch tự túc.
|
|
Duy Và Giang có chuyến xuất ngoại tới Iran suôn sẻ. |
Thủ tục visa
Trước đây, Iran cho phép du khách làm thủ tục thị thực (visa) ngay tại sân bay (on-arrival visa). Hiện tại, du khách cần chuẩn bị hồ sơ và làm thủ tục trực tuyến trước chuyến đi. Giang cho biết thông tin điền hồ sơ đơn giản, không yêu cầu chứng minh tài chính.
“Mình chỉ cần đăng tải đúng loại hồ sơ được yêu cầu khi làm thủ tục trực tuyến. Nếu nhập sai thông tin, hệ thống sẽ tự động từ chối. Thủ tục rất nhanh gọn”, nữ du khách nói.
Sau khi hoàn thành, du khách có thể xem tình trạng hồ sơ trên cổng thông tin, kết quả dự kiến có sau 10 ngày làm việc. Du khách có kết quả đậu visa mới phải nộp phí.
Ngay khi điền đơn visa, du khách sẽ được hỏi về Place of Issue - địa điểm nộp hồ sơ bản cứng và đóng phí khi có kết quả đậu visa trên hệ thống. Du khách có thể chọn địa điểm là Đại sứ quán Iran ở Hà Nội (phí 80 euro) hoặc sân bay tại Iran (phí 100 euro).
“Mình chọn nộp hồ sơ ở Đại sứ quán Iran, chi phí rẻ hơn và quan trọng là dễ giải quyết nếu gặp sự cố khi làm thủ tục”, Duy chia sẻ.
Chuẩn bị trước chuyến đi
Đặt vé máy bay
Sau khi đậu visa, Giang và Duy chuẩn bị đổi tiền và mua vé máy bay. Ngay khi nghe tin một số đường bay quốc tế mở lại, đôi bạn đặt ngay vé máy bay từ Hà Nội đến Iran mà không do dự. Mức tài chính cá nhân vừa phải, 2 du khách đặt tiêu chí chuyến đi “khi nào mệt sẽ xõa, lúc nào hết tiền thì siết chặt chi tiêu”.
Đôi bạn 9X cho biết chi phí vé máy bay khứ hồi khoảng 25 triệu đồng/người, bay chặng Hà Nội - Dubai - Shiraz - Tehran - Hà Nội.
Đổi tiền
Tiền tệ chính thức của Iran là IRR - Iranian rial (1 IRR = 0.6 đồng). Một loại tiền tệ song song khác là toman (1 Toman = 10 IRR). Giang cho biết khi mua sắm sẽ dùng đến toman nhiều hơn.
“Mọi người nên đổi tiền USD hoặc euro trước, khi đến Iran đổi tiếp sang Iranian rial. Ở Iran cũng có nhiều khách sạn, điểm mua bán chấp nhận USD hoặc euro”, đôi bạn 9X nói.
Giang chia sẻ kinh nghiệm đổi tiền ở Iran là du khách có thể đổi trong cửa hàng, thậm chí đứng ra ngoài phố hét lên là tôi muốn đổi tiền, ngay lập tức sẽ có người đến giao dịch. Tỷ giá ở đây thay đổi theo từng ngày, có khi từng giờ và có thể mặc cả. Ngoài ra, ở Iran không sử dụng được thẻ thanh toán quốc tế, nữ du khách nói.
Quy định xuất cảnh, nhập cảnh
Xuất cảnh
Trước khi lên đường, Giang và Duy cho biết phải đem theo các loại giấy tờ cần thiết cho chuyến đi gồm:
- Hộ chiếu
- Visa
- Giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi thứ 2 có thời hạn ít nhất 14 ngày trước khi xuất cảnh).
- Kết quả xét nghiệm RT-PCR 72h trước khi nhập cảnh (tính từ lúc lấy mẫu) theo quy định phía Iran.
- Bảo hiểm Covid-19 (không bắt buộc), nhưng nên trang bị.
Với đầy đủ giấy từ theo quy định, Giang cho biết đã xuất cảnh khá nhanh chóng, không gặp trở ngại gì. "Cảng quốc tế mùa dịch vắng. Chỗ ngồi trên máy bay thoải mái", nữ du khách nói.
Khi về Việt Nam, du khách được yêu cầu xét nghiệm PCR 72h trước khi bay. Du khách có thể đặt dịch vụ qua khách sạn, có người đến tận nơi lấy mẫu, chi phí khoảng 20 USD (~500.000 toman), Giang thông tin.
"Kết quả có sau khoảng 10 tiếng, cả bản cứng lẫn bản mềm. Về đến sân bay Nội Bài, mình phải khai báo y tế nhập cảnh trên ứng dụng, quét mã QR rồi qua đóng dấu hải quan là xong", nữ du khách cho biết các thủ tục khá suôn sẻ.
Nhập cảnh
Nhập cảnh Iran cũng không có nhiều khó khăn nếu du khách chuẩn bị giấy tờ (bản cứng) đầy đủ.
Theo quy định từ phía Iran, du khách nhập cảnh có dấu hiệu mắc Covid-19 có thể được yêu cầu xét nghiệm tại chỗ và đưa về điểm cách ly tập trung để chờ kết quả. Tuy nhiên, Duy và Giang cho biết lúc nhập cảnh ở Shiraz (Iran) không thấy du khách nào phải xét nghiệm hoặc đưa đi cách ly.
|
|
Cặp du khách Việt xếp hàng đợi nhập cảnh ở Shiraz. |
Lưu ý khi tới Iran
Đi lại
Đi Iran có 2 hướng phổ biến là đi lên phía bắc hoặc xuống phía nam, lấy thủ đô Tehran làm trung tâm. Phía bắc thiên về khám phá thiên nhiên, du khách có thể thuê xe để đi roadtrip. "Chuyến này chúng mình chọn cung phía nam qua Shiraz - Isfahan - Kashan - Tehran", Giang chia sẻ.
Nữ du khách cho biết có thể đi xe khách để di chuyển giữa các thành phố, giá vé khoảng 2-4 USD/người (~50.000-100.000 toman). Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn bay nội địa. Tuy nhiên, các chuyến bay rất nhanh kín chỗ vì cả tuần chỉ có 1-2 chuyến. Một số chặng phải đến 2 tuần mới có chuyến. Giang cho biết thường nhờ khách sạn hoặc bạn bè đặt hộ vé từ sớm.
Khi di chuyển trong nội thành, 2 du khách Việt nhờ những người bạn địa phương chở xe máy và bắt taxi, mỗi chặng có giá 1-2 USD (~20.000-30.000 toman). "Bạn có thể đặt taxi qua ứng dụng hoặc bắt trực tiếp, giá khá rẻ và không chênh lệch nhiều", Duy nói. Ở Tehran thường xuyên tắc đường nên đôi bạn đã chọn di chuyển bằng metro (tàu điện).
|
|
Những người bạn địa phương Giang và Duy quen biết dọc đường đi. |
Ăn uống và lưu trú
"Mình không ăn uống được gì nhiều vì không hợp khẩu vị đồ ăn tại đây. Món hợp khẩu vị và ăn nhiều nhất chắc là bánh mì kebab. Tuy vậy, mình và bạn đồng hành vẫn cố gắng thử hết các nhà hàng truyền thống tại Iran", Giang chia sẻ.
Đồ ăn Iran thường có thịt gà, cừu, sử dụng các loại rau gia vị. Nhụy hoa nghệ tây được dùng rất nhiều, từ đồ ăn đến đồ uống.
Khách sạn có hai loại là boutique hotel được trùng tu lại từ những ngôi nhà cổ và khách sạn xây theo kiểu hiện đại (international hotel). Ở khách sạn hiện đại sẽ tiện hơn nhưng boutique hotel có thiết kế đẹp, cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
|
|
Giang tiết kiệm được khá nhiều chi phí ăn uống vì không hợp khẩu vị đồ ăn ở Iran. |
"Chúng mình lưu trú tại 2 boutique hotel và 2 international hotel. Giá ở mức trung bình và rẻ dù không đặt trước", nữ du khách Việt kể lại.
Người dân bản địa rất thích đi uống trà hoặc đi cà phê chụp hình. Các tea house tại đây được thiết kế khá đẹp mắt. Tuy nhiên, ở Iran không có club hay quán bar, Giang nói.
Giang và Duy kết thúc gần 2 tuần du hí ở Iran với lịch trình tự lên, thủ tục tự làm, chuyến đi suôn sẻ với chi phí khoảng 35-40 triệu đồng/người đã gồm vé máy bay. "Mua được vé máy bay là qua được hơn nửa cửa ải rồi. Còn lại, chi tiêu ở Iran rất rất rẻ, khoảng 10-15 triệu đồng chưa kể chi phí làm visa và mua sắm là dư dả lắm rồi", Duy cho biết.
Kết thúc chuyến du lịch nước ngoài tự túc hậu dịch, 2 du khách Việt chia sẻ nên đi chơi bằng tâm thế thoải mái, không lo sợ hay hoảng hốt trong mọi tình huống.
Theo zingnews