Một Đôn Hoàng gió cát mịt mù nhưng cũng không kém phần xa hoa trong tác phẩm Đại mạc hoang nhan của nhà văn Thương Nguyệt. Một thế giới của rối bóng, của những câu chuyện ly kỳ trong truyện Tây xuất Ngọc Môn của tác giả Vĩ Ngư.

Đôn Hoàng - cửa ngõ quan trọng trên con đường tơ lụa của Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực.

Đôn Hoàng có ải Ngọc Môn quan, Hán Trường Thành… tồn tại hơn 2.000 năm nay.

Chuyến tàu cao tốc từ Turpan đưa chúng tôi tới Đôn Hoàng vào một ngày trời xanh.

Đôn Hoàng là thị trấn trọng yếu bậc nhất đối với Trung Nguyên. Với các thương nhân đi từ Trường An, Đôn Hoàng vừa là điểm dừng chân để buôn bán, thu gom hàng hóa, sản vật của Trung Hoa từ các tiểu quốc ở Tây Vực, vừa là nơi để họ chuẩn bị đầy đủ lạc đà, tiền bạc, những vật dụng cần thiết cho chuyến vượt qua sa mạc Taklamakan, núi cao, vực sâu để tới Kashgar, Trung Á, Ấn Độ, Địa Trung Hải…

Khám phá con đường tơ lụa: Mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng - ảnh 1

Hang Mạc Cao - Kỳ quan trên vách đá

CHIBOOKS CUNG CẤP

Vì vậy, có thể nói: Mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng. Vì vậy, Đôn Hoàng đã trở thành điểm giao thoa tôn giáo, thành kho lưu trữ, trao đổi văn hóa - nghệ thuật, văn học của Trung Quốc, Trung Á và phương Tây. Cuộc gặp gỡ sôi động của các nền văn hóa này đã tạo ra vô số những báu vật nghệ thuật ở nhiều địa điểm khác nhau dọc theo con đường tơ lụa. Cả Đôn Hoàng là một tập hợp những kỳ quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là nơi Đường Huyền Trang rời khỏi đất Hán, tiến vào Tây Vực; có Ngọc Môn quan, Dương quan, những biên ải lừng danh đã gắn chặt với tên tuổi của những nhà thơ Đường nổi tiếng như Vương Duy, Vương Chi Hoán…

Nằm cách Đôn Hoàng 25 km, hang Mạc Cao là quần thể chùa Phật giáo được tạc thẳng vào núi đá. Được xây dựng vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều và phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn thế kỷ 4 - 14. Mạc Cao có tới 492 hang động, 45.000 m2 vuông bích họa và hơn 2.000 pho tượng, bởi vậy, nơi này còn được gọi là “Thiên Phật động”. Năm 1987, hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Sau khi qua cửa soát vé, tôi được đưa vào một căn phòng rộng lớn để trải nghiệm các hang động, bích họa, tượng Phật được dựng 3D. Một màn hình 360 độ chiếu quang cảnh hang động khiến tôi ngây ra như phỗng, không dám thở mạnh vì mọi thứ quá hoành tráng.

Đến thời nhà Đường, khi nền văn hóa phong kiến Trung Hoa đạt đến đỉnh cao, con đường tơ lụa cũng phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Văn hóa Đôn Hoàng đã xuất hiện vô số kiến trúc, điêu khắc, thư pháp, tranh tường, tranh in trên gỗ, văn học, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác. Mạc Cao là kho lưu trữ hoàn hảo các bức tranh tường và tượng điêu khắc thể hiện các chủ đề tôn giáo và lịch sử, cũng như các kỹ thuật, nghệ thuật trong suốt hơn 1.000 năm của nghệ thuật Trung Quốc.
Khám phá con đường tơ lụa: Mọi con đường đều dẫn đến Đôn Hoàng - ảnh 2

Phi thiên Đôn Hoàng

Đứng trước Mạc Cao, tôi chỉ biết choáng ngợp và thán phục, tôi nghĩ Mạc Cao là đỉnh cao trí tuệ của người cổ đại. Đôn Hoàng có địa hình chủ yếu là sa mạc, vậy phải xây dựng Mạc Cao như thế nào mới có thể tránh được việc cát xâm lấn, nhấn chìm tất cả? Người xưa đã lựa chọn xây dựng Mạc Cao trên sườn núi đá Minh Sa, địa thế hang động theo hướng “phía tây nhìn về phía đông”. Ở giữa là một con sông, và đối diện với Mạc Cao là dãy núi Tam Nguy. Không hang động nào ở Mạc Cao vượt quá 40 m và được tạc san sát nhau như tổ ong. Mùa hè, khi gió thổi mạnh, núi Tam Nguy trở thành tấm lá chắn khiến gió cát không thể lọt vào hang. Mùa đông, gió mang theo cát từ phía tây tới lại trượt qua đỉnh hang, không rơi được một hạt vào bên trong. Nhờ trí tuệ tài tình của người xưa mà đến tận bây giờ, chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một Mạc Cao hoàn hảo tới như vậy. Khác với Thiên Phật động Kizil ở Khâu Từ hay hang đá Long Môn ở Hồ Nam, chất đá ở dãy núi Minh Sa rất cứng, không thể đục đẽo, chính vì vậy, các nghệ nhân đã phải dùng đất để tạc tượng. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, không hề có máy móc, kỹ thuật hiện đại trợ giúp, lại làm việc trong điều kiện khó khăn, nhưng bằng trí tưởng tượng phong phú và kỹ xảo điêu luyện của mình, họ đã tạo nên những bức bích họa, pho tượng với hình dáng, sắc thái khuôn mặt khác nhau và sinh động như thật.

Chúng tôi say mê ngắm những bức bích họa mà màu sắc còn giữ nguyên vẹn tới tận bây giờ. Trong các hang động, sự vô hồn, đơn sắc của sa mạc đã nhường chỗ cho màu sắc rực rỡ và sự sinh động của cuộc sống hằng ngày.

Đã có rất nhiều người bảo trợ giàu có quyên góp tiền cho Mạc Cao, người bảo trợ nổi tiếng nhất có lẽ là Hoàng hậu Võ Tắc Thiên, bà đã cho xây dựng tượng Phật ngồi lớn nhất ở Mạc Cao vào năm 695 - bức tượng cao 30 m tạc thẳng vào núi đá. (còn tiếp)

(Trích Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)

Theo Thanh niên