Đại dịch đã biến không gian hơn 10 m2 trong chiếc xe của Nicoll Davis (28 tuổi) từ "ngôi nhà trong mơ" thành "phòng giam". Davis đã cùng chồng mình là Jake sống toàn thời gian trên chiếc xe chở hàng này trong một năm.

Davis có công việc kinh doanh riêng, làm việc với các công ty nhỏ thông qua trang web và hỗ trợ tiếp thị, đồng thời điều hành một blog nhỏ cùng chồng mình. Họ cùng với 3 chú chó cưng cùng nhau tận hưởng cuộc sống xa xỉ, đi du lịch khắp nơi và có tài chính dư dả để làm bất kỳ điều gì cô muốn.

Cho tới khi đại dịch Covid-19 ập tới.

"Khi dịch bệnh lan rộng, chúng tôi bỗng cảm thấy 'ngôi nhà' di động của mình nhỏ đi rất nhiều. Tôi thấy đã bị mắc kẹt".

song trong dai dich anh 1

Những chiếc xe vốn là căn nhà di động đáng mơ ước giờ đây không khác gì

phòng giam vì thiếu thốn vật chất, gây bất tiện trong sinh hoạt.

Ban đầu Davis cảm thấy an toàn và được bảo vệ trong căn nhà di động nhỏ nhắn.

Đến tháng 3/2020, khi đang cùng chồng dừng chân tại khu cắm trại Cosmic Campground trong Rừng quốc gia Gila, ở phía tây New Mexico, họ được thông báo khu vực này sắp phải đóng cửa. Hai vợ chồng có 60 phút để thu dọn đồ đạc và tìm nơi đậu mới.

Davis phải di chuyển ra khu vực phía ngoài rừng quốc gia. Không có nguồn điện, vợ chồng cô chuyển sang dùng năng lượng mặt trời và máy phát điện. Chỉ có chiếc tủ lạnh mini chứa được rất ít đồ, cô thường xuyên phải chạy tới siêu thị mua thực phẩm.

"Các cửa hàng tạp hóa khi đó rất vắng khách và chúng tôi khó khăn để mua được những thứ mình cần, trong đó có giấy vệ sinh. Đó thật sự là một cuộc đấu tranh".

Muôn kiểu bất tiện

Không riêng vợ chồng Davis, với nhiều người việc phải sống trong không gian nhỏ, vây quanh bởi 4 bức tường có thể tàn phá sức khỏe tinh thần của họ.

Những người theo xu hướng sống trong những căn nhà di động là xe du lịch - trào lưu phổ biến những năm qua - đang phải đối mặt nhiều khó khăn khi đại dịch bùng phát.

Theo The New York Times, trong không gian sống chật hẹp, họ không có khả năng tích trữ lượng lớn thực phẩm, giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Họ bị mắc kẹt.

Nhiều người sống trong nhà di động thường tắm rửa bằng nguồn nước từ các phòng tập công cộng cũng không còn được sử dụng chúng vì yêu cầu đóng cửa chống dịch. Khi các công viên và khu cắm trại đóng cửa, nhiều chiếc xe không tìm được chỗ đậu.

John Frigo, một chuyên gia tiếp thị kỹ thuật số, cũng đang sống trong một ngôi nhà di động vốn là chiếc xe kéo, phải vật lộn khi di chuyển giữa Texas và Florida cùng bạn gái của mình.

Không có nước sinh hoạt, Frigo từng dùng thẻ thành viên của Planet Fitness để tắm trong trung tâm thể hình. Nhưng dịch bệnh bùng phát cùng yêu cầu giãn cách xã hội đã chấm dứt điều đó. Anh phải chuyển sang các phòng tập nhỏ, giải thích hoàn cảnh của mình và dùng dịch vụ để được tắm ở đó.

Khi việc đi lại ngày càng khó khăn, anh chàng cuối cùng chọn đậu xe phía sau nhà bố mẹ bạn gái ở ngoại ô Chicago.

Ngôi nhà nhỏ của bà Keri Gailloux (68 tuổi, giáo viên về hưu) là một chiếc xe buýt đưa đón học sinh cũ đã được chuyển đổi. Nhưng giờ nó cũng phải nằm im một chỗ vì đại dịch.

Bà Gailloux từng sống và làm việc ở San Francisco, điều hành một chương trình đào tạo về bệnh viêm gan C cho các bác sĩ chăm sóc chính. Sau khi nghỉ hưu, bà chuyển đổi chiếc xe buýt trường học thành một ngôi nhà di động đặt tên nó là “Skoolie” và xem nó là nơi ở trong suốt phần đời còn lại. 6 tháng trước khi đại dịch bùng phát, bà lên đường.

Thế nhưng dự định của cựu giáo chức đã không thành hiện thực. Công viên đóng cửa và nguồn kinh phí hạn hẹp khiến bà không đủ tiền chi tiêu.

"Tôi đã cùng chú chó của mình đi bộ tới vịnh, và bật khóc. Đó là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi".

Chiếc xe buýt yêu quý của bà đã bị dọn hết đồ đạc cá nhân và được rao bán. Sau khi nó được bán, bà Gailloux có kế hoạch trả hết các khoản nợ. Bà đang sống chung nhà và chăm sóc mẹ của một người bạn ở Long Beach, California.

Theo Zing