Câu chuyện bắt đầu khi họa sĩ Kirsha Kaechele thiết lập một khu vực chỉ dành cho quý bà tại Bảo tàng nghệ thuật Cũ Và Mới (MONA) ở Hobart, Úc. Theo Kaechele, mục đích của triển lãm là để du khách “tận hưởng, đồng hành cùng sự thuần khiết của phụ nữ” và coi đây như một phản kháng của chị em vì đã bị loại khỏi những không gian do nam giới thống trị trong suốt chiều dài lịch sử. “Ladies Lounge” tại MONA có trà, bánh, rượu sâm banh và cả mát xa do nam phục vụ. Kaechele còn khẳng định trên trang cá nhân rằng, nơi đây “phải trưng bày những tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất trên thế giới, để đàn ông cảm thấy bị loại trừ hết mức có thể”.

leftcenterrightdel
 Nữ họa sĩ Kirsha Kaechele bên một bức tranh ở Hobart, Úc - Nguồn ảnh: AP

Thái độ, hành động “mang tính lật đổ” của nữ họa sĩ không chỉ giúp bà nổi tiếng mà còn khiến bà phải đối mặt với phán quyết của tòa án. Một khách tham quan bảo tàng đã tức giận khi bị cấm vào không gian trưng bày. Ông đã nộp đơn khiếu nại. Vào tháng 3/2024, tòa dân sự và hành chính Tasmania đã yêu cầu MONA ngừng việc từ chối nam giới vào phòng tranh. Phó chánh án Richard Grueber tuyên bố, triển lãm mang tính phân biệt đối xử.

Trong phán quyết của mình, Grueber cũng chỉ trích một nhóm phụ nữ ủng hộ Kaechele. Họ mặc đồng phục công sở, cùng lúc vắt chéo chân rồi lại đổi chân trong suốt phiên điều trần của bà với tòa án. Một phụ nữ đã cố tình đọc các văn bản nữ quyền, sau đó cả nhóm rời đi bằng một cuộc diễu hành do Kaechele dẫn đầu theo giai điệu bài hát của Robert Palmer. “Hành vi của họ là không phù hợp, thiếu lịch sự và thiếu tôn trọng, tệ nhất là xúc phạm và khinh thường” - Grueber nói.

Thay vì thực hiện lệnh của tòa, Kaechele đã quyết định lắp đặt một nhà vệ sinh nữ trong không gian trưng bày tranh, khai thác lỗ hổng pháp lý nhằm tiếp tục từ chối nam giới.

Cách đây chưa lâu, tòa lao động cấp cao Nuremberg (Đức) đã buộc một công ty xứ Bavaria bồi thường 2.500 euro cho một ứng viên nam bị từ chối sau khi phát hiện thông tin tuyển dụng của đơn vị này không tuân thủ đạo luật Đối xử bình đẳng chung.

Nguyên đơn cho biết, trong thư từ chối tuyển dụng, công ty nêu rằng, công việc đòi hỏi ứng viên phải có “đôi tay nhanh nhẹn như phụ nữ”. Bị đơn giải thích rằng, cách diễn đạt trong thư từ chối chỉ mô tả sự khéo léo cần thiết cho công việc nhằm nhấn mạnh bàn tay nhỏ, những ngón tay thanh mảnh mới có thể đảm nhiệm vị trí cần tuyển. Lý do từ chối ứng viên không phải là giới tính mà là do bàn tay của anh ấy quá to so với công việc đòi hỏi sự chính xác. Tòa không chấp nhận lập luận này và tuyên công ty đã phân biệt đối xử với nguyên đơn dựa vào giới tính của anh ta.

Quyết định của tòa cho thấy, kể từ khi đạo luật Đối xử bình đẳng chung có hiệu lực vào năm 2006, không phải tất cả quy định trong đó đều trở thành kiến thức phổ biến. Không chỉ ràng buộc đối với quảng cáo, thông tin việc làm mà toàn bộ quy trình nộp đơn đều phải tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Tháng trước, đội tuyển bóng đá nam quốc gia Đan Mạch đã từ chối tăng lương, chấp nhận cắt giảm 15% tiền bảo hiểm để các nữ cầu thủ trong đội tuyển quốc gia được trả lương ngang bằng nam giới đồng thời tăng thêm 50% bảo hiểm. Sự kiện này được báo chí mô tả là “bước tiến phi thường” trong nhận thức về bình đẳng giới. Thỏa thuận mới nêu trên của các cầu thủ với Hiệp hội Bóng đá Đan Mạch (DFA) có hiệu lực sau khi giải bóng đá Euro 2024 ở Đức vừa kết thúc.

Trong vài năm qua, các đội tuyển bóng đá nữ quốc gia trên toàn thế giới đã tích cực hành động để giảm chênh lệch lương. Năm 2022, Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã đạt được các thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm đảm bảo mức lương bình đẳng cho nam, nữ cầu thủ của đội tuyển quốc gia.

Trong bầu không khí tiến bộ về bình đẳng giới đó, hành động tẩy chay nam giới như nói trên là cực đoan và không phù hợp, không được công chúng ủng hộ.

Theo phụ nữ TPHCM