Thay đổi các ưu tiên hàng đầu
Những tháng gần đây, khu mua sắm đắt đỏ nhất ở quận Ginza, trung tâm Tokyo (Nhật) chật kín người săn hàng giá rẻ. Họ là những du khách Trung Quốc chọn bay đến đây để mua những sản phẩm rẻ hơn so với ở quê nhà. Sự suy yếu của đồng Yên Nhật đã khiến giá hàng hóa rẻ hơn, tạo cơ hội cho những người mua sắm ở đại lục, cả Hồng Kông hay châu Âu. Điều đó còn cho thấy, người tiêu dùng cao cấp Trung Quốc - yếu tố giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu trong 2 thập niên qua - đang phải “cân đo” túi tiền một cách cẩn thận trong bối cảnh nền kinh tế trở nên mong manh hơn trước. Doanh số của các thương hiệu như Burberry và Gucci tại châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) đã giảm mạnh.
|
|
Doanh số bán hàng tại châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) của các thương hiệu như Burberry và Gucci giảm mạnh - Nguồn ảnh: iStock |
Lý do quan trọng hơn khiến sự quan tâm đến hàng xa xỉ cá nhân giảm dần là do phụ nữ Trung Quốc thay đổi ưu tiên. Những phát hiện gần đây từ nghiên cứu của nền tảng thông tin tiếp thị LookLook (Mỹ) chỉ ra những biến chuyển lớn. Phụ nữ có thu nhập cao đang lựa chọn đi du lịch hoặc đầu tư vào những món trang sức vượt thời gian, có giá trị bán lại cao hơn, thay vì các sản phẩm hàng hiệu đắt tiền. Ngoài ra, doanh số bán hàng xa xỉ quốc tế tụt giảm có liên quan đến sự ủng hộ ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một phần xuất phát từ cảm giác về giá trị vượt trội của hàng nội địa. Ngày càng có nhiều công ty nhấn mạnh yếu tố văn hóa của quốc gia trong quảng cáo sản phẩm” - Malinda Sanna - nhà sáng lập LookLook - nói.
Với nhiều phụ nữ hiện nay, không phải hàng hiệu mà sức khỏe, sự tự do và thanh thản mới là những ưu tiên cao nhất.
Thất vọng với hàng xa xỉ
Tháng 7/2024, Cơ quan Quản lý cạnh tranh Ý đã điều tra về những lo ngại rằng công nhân tại một số nhà máy do Dior và Armani điều hành đang bị trả lương thấp, đồng thời phải làm việc trong điều kiện khó khăn. Các cáo buộc đầu tiên được tiết lộ bởi một tòa án, cho biết một nhà cung cấp đã may chiếc túi Dior trị giá 2.780 USD chỉ với chi phí 57 USD. Một chiếc túi Armani có chi phí 100 USD nhưng được bán với giá khoảng 1.960 USD tại các cửa hàng.
Người tiêu dùng hàng xa xỉ còn bày tỏ sự thất vọng khi giá cả luôn tăng nhưng chất lượng thì không. Theo phân tích của ngân hàng HSBC, các thương hiệu xa xỉ đã tăng giá những chiếc túi xách mang tính biểu tượng lên trung bình 50% kể từ năm 2019. Kể từ năm 2022, Volkan Yilmaz - một chuyên gia về da tại Mỹ - đã phân tích chất liệu của những mặt hàng xa xỉ, ước tính chi phí, so sánh với giá cuối cùng để người tiêu dùng biết. Năm ngoái, người bán đồ cũ Luxe Collective đã thu hút được 600 triệu lượt xem cho nội dung tiết lộ biên lợi nhuận rất cao của các sản phẩm xa xỉ.
Diana Kakkar - người sáng lập studio sản xuất hàng may mặc cao cấp Maes London - cho biết chất lượng các sản phẩm xa xỉ đã giảm dần trong nhiều năm khi một số nhà sản xuất phát triển thành các thương hiệu lớn. Trước đây, họ có thể tự sản xuất mọi thứ tại nhà và thủ công, nhưng giờ thì các thương hiệu này phải dựa vào việc chuyển sản xuất ra nước ngoài và nhiều chuỗi cung ứng kết hợp lại với nhau. Nghĩa là hành vi gian lận dễ dàng lọt qua các kẽ hở hơn. “Các thương hiệu thường ép giá nhà sản xuất. Điều này có thể dẫn đến chất lượng giảm. Trách nhiệm về sản phẩm cần được mở rộng cho cả nhà cung cấp và các thương hiệu một cách bình đẳng” - bà nói.
Nhà lý thuyết thời trang Rian Phin nói: “Một số người mua quần áo xa xỉ là mua cảm giác sở hữu và tác quyền trong một thế giới hỗn loạn. Một số người cảm thấy bị thúc đẩy bởi câu chuyện thương hiệu”. Tuy nhiên, Phin tin rằng, người tiêu dùng ngày nay muốn thông tin minh bạch về cách thức và địa điểm sản xuất các mặt hàng xa xỉ đó. Hy vọng nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng sẽ buộc ngành công nghiệp này phải thay đổi.
Theo phụ nữ TPHCM