Với Ryan Caldbeck (43 tuổi, giám đốc điều hành của công ty công nghệ CircleUp ở Mỹ), trước kia nếu ai đó nói rằng có một ngày anh sẽ bật khóc trong một căn phòng có đầy nhân viên dưới trướng, Ryan sẽ thẳng thừng tuyên bố chuyện đó không bao giờ xảy ra.
Nhưng trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng bất ổn và sức khỏe tinh thần được đề cao, quan điểm của Ryan dần thay đổi, theo NY Times.
Năm 2016, anh từng phải sa thải khoảng 15% trong đội ngũ 45 nhân viên của mình và không thể kìm nén nước mắt vì chuyện này. Giờ, Ryan cho biết mình sẵn sàng chia sẻ tâm trạng với đồng nghiệp, cấp dưới một cách cởi mở hơn. Nhiều lần, anh cũng vật lộn để giữ khoảng cách với nhân viên, tránh chia sẻ quá mức.
|
|
Như bất kỳ người nào đi làm, người làm quản lý, lãnh đạo cũng phải trải qua cảm giác chán nản về cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Ảnh: Dreamstime |
Các giám đốc điều hành từ lâu đã học nhiều thứ về kỹ năng quản trị, giao tiếp với nhân viên cấp dưới. Bây giờ, họ còn học thêm một kỹ năng khác: cách phơi bày cảm xúc.
Sếp cũng có quyền bộc lộ sự yếu đuối
Trí tuệ cảm xúc đã đứng đầu danh sách các sách hướng dẫn quản lý bán chạy nhất trong những năm qua. Tại Trường Kinh doanh Stanford hệ sau đại học, khóa học tự chọn phổ biến nhất trong nhiều năm nay là "động lực giữa các cá nhân".
"Các quản lý cấp cao thường được dạy rằng phải loại bỏ cảm xúc cá nhân ra khỏi công việc. Còn giờ, có một thế hệ quản lý, những người trong tương lai có thể là lãnh đạo cấp cao, phát hiện rằng họ không thể truyền cảm hứng cho người khác nếu cứ che giấu con người thật", Carole Robin, tác giả cuốn sách Connect, phát biểu.
Từ lẽ đó, những người làm chức quản lý, lãnh đạo đang có xu hướng thể hiện họ cũng là con người bình thường, có quyền thể hiện mặt chán nản hay yếu đuối.
Hôm 9/8, Braden Wallake, Giám đốc điều hành HyperSocial, chuyên về các dịch vụ tối ưu hóa, đăng tấm ảnh selfie đẫm nước mắt cùng thông báo sa thải 17 nhân viên.
|
|
Hình ảnh khóc lóc của Braden Wallake bị dân mạng chỉ trích. Ảnh: Braden Wallake |
"Vào những ngày như hôm nay, tôi ước mình là một chủ doanh nghiệp chỉ vì tiền và không quan tâm đến việc tổn thương người khác. Nhưng tôi không như vậy. Vì thế, tôi chỉ muốn mọi người thấy rằng không phải CEO nào ngoài kia cũng lạnh lùng và không mảy may nghĩ gì khi họ phải sa thải người khác", Wallake viết.
Wallake quyết định đăng bức ảnh selfie lên LinkedIn với hy vọng thể hiện những khó khăn về mặt cảm xúc mà người đứng đầu doanh nghiệp phải đối mặt khi sa thải nhân viên.
"Tôi ngồi tại bàn làm việc, chỉ biết khóc và quyết định đăng bài vì gần đây tôi thấy nhiều chủ doanh nghiệp và CEO khác cũng khủng hoảng khi phải cho nhân viên của mình thôi việc. Tôi biết hành động này không chuyên nghiệp nhưng từ tận đáy lòng, tôi hy vọng họ biết tôi đã đau lòng thế nào.
Tôi từng cười nhạo những người đăng ảnh khóc lóc trên các nền tảng khác. Và bây giờ tôi làm điều đó. Tôi muốn bài đăng này có thể là một công cụ hữu ích giúp các nhân viên tìm được vị trí công việc tốt hơn".
Hình ảnh và bài viết cũng tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong phần bình luận. Một số người tán dương Wallake nhưng những người khác chỉ trích CEO thích gây chú ý, nói về nỗi đau bản thân vào thời điểm các cựu nhân viên thất nghiệp.
Noah Smith, một trong những người phải nghỉ việc, đã lên tiếng bênh vực sếp cũ, cho biết mình nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ bài đăng của Wallake.
|
|
Sự thoải mái bộc lộ cảm xúc, đời sống riêng tư giữa sếp và nhân viên được cho là giúp gắn kết văn phòng tốt hơn. Ảnh minh họa: The Office |
Không còn muốn "gồng"
Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã bớt dùng các thuật ngữ đề cao giá trị công ty mà chuyển sang các từ ngữ mang tính kết nối nhân sự hơn, khi nhiều bên chuyển sang làm việc tại nhà và việc tương tác trực tiếp giữa những người cùng làm một nơi không còn.
Nhưng nhiều người làm công sở chỉ ra rằng khi tinh thần cởi mở được đề cao, họ thấy bị áp lực khi phải chia sẻ những điều muốn giữ kín.
Nancy Rothbard, giáo sư tại Đại học Pennsylvania, người đã nghiên cứu về cảm xúc tại nơi làm việc, cho biết nghiên cứu của cô chỉ ra kỳ vọng đang ngày càng tăng rằng mọi người thoải mái thể hiện con người thật ở công ty.
Tuy vậy, các cuộc khảo sát chỉ ra rằng mọi người lại thích tách biệt đời sống cá nhân với nghề nghiệp hơn là tích hợp chúng. Song, họ cảm thấy mình không có quyền lựa chọn.
|
|
Andy Dunn mạnh dạn kể với nhân viên về bệnh tình của mình. Ảnh: NY Times |
Nghiên cứu của Rothbard cho thấy rằng các nhà lãnh đạo nữ và không phải người da trắng có thể phải đối mặt với chi phí cơ hội cao hơn khi tiết lộ cảm xúc.
"Phụ nữ được mong đợi chia sẻ nhiều thông tin cá nhân hơn với đồng nghiệp, nhưng lại lo lắng về việc liệu nó có bị hiểu sai hoặc bị sử dụng để chống lại họ hay không".
Julie Brosnan, làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Washington, nhớ lại việc chuẩn bị tinh thần cho các cuộc họp buổi sáng với sếp với một loạt câu hỏi như: bạn làm gì đêm qua, bạn làm gì cuối tuần trước...
Sau đó, người sếp sẽ nói về những xích mích trong gia đình, về chồng và chuyện ngoại tình của cô ấy.
Sếp của Brosnan coi các nhân viên là “gia đình”, mối bận tâm của một người là mối quan tâm của tất cả người còn lại và Brosnan thường xuyên phải trả lời những câu liên quan đến con cái, cuộc sống riêng tư hoặc cách cô giải trí lúc rảnh rỗi.
Còn với những người ở cấp lãnh đạo, việc được bộc lộc cảm xúc thật vẫn giúp họ thấy tích cực hơn so với trước.
Andy Dunn, người đồng sáng lập công ty may mặc Bonobos, gần đây đã tập hợp nhân viên của mình trong một cuộc họp online để nói với họ về bệnh tình của mình. Anh bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
“Một khi đã bắt đầu, tôi bị chia sẻ quá mức", anh nói. Andy đã tắt cuộc gọi và ngay lập tức gửi tin nhắn đến cấp dưới để hỏi rằng liệu cuộc trò chuyện có phải là “thảm họa” hay không.
Tuy nhiên, Andy nhận thấy rằng sự dễ bị tổn thương của chính mình đã giúp nhân viên bộc bạch cảm xúc thật. Một người thể hiện sự đồng cảm và cho biết cũng đang cảm thấy cô đơn trong giai đoạn hiện tại.
Giám đốc điều hành của ứng dụng hẹn hò Hinge, Justin McLeod, nhớ lại cảm giác nhẹ nhõm khi hoàn toàn thẳng thắn với nhân viên khi công ty đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình vào năm 2016, thời điểm đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Tinder.
McLeod đã sa thải một nửa nhân viên và ông biết mình không thể ngăn những người còn lại trong đội thấy bất an.
“Bạn có thể tô hồng khác xa thực tế, nhưng điều đó chỉ khiến mọi người ít tin tưởng vào khả năng lãnh đạo hơn", ông nói.
Theo Zing