|
|
Số lượng nhân viên không có bằng cấp tại Google đang có xu hướng tăng lên. |
Trong những năm gần đây, bối cảnh tuyển dụng trong ngành công nghệ, đặc biệt là giữa các tập đoàn lớn như Google, YouTube và Facebook, đã trải qua sự thay đổi đáng kể.
Theo truyền thống, bằng đại học được coi là điều kiện tiên quyết để được vào các công ty danh giá này. Tuy nhiên, xu thế theo đuổi đổi mới, cùng với việc thừa nhận những hạn chế của việc chỉ dựa vào giáo dục chính quy, đã khiến những gã khổng lồ công nghệ này phải đánh giá lại các tiêu chí tuyển dụng.
Trong lịch sử, nhiều tập đoàn, công ty lớn coi bằng đại học là một "màng lọc" quan trọng để tìm ra các ứng viên tiềm năng, với niềm tin rằng bằng cấp thể hiện trình độ và năng lực của ứng viên. Tuy nhiên, quan điểm này đã bỏ qua một thực tế rằng kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế thường vượt qua kiến thức lý thuyết đơn thuần.
14% nhân viên Google chưa học đại học
Google, nổi tiếng với các công nghệ đổi mới và đột phá, từ lâu đã đi đầu trong việc áp dụng chiến lược tuyển dụng toàn diện hơn.
Năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động nhân sự của Google lúc bấy giờ, Laszlo Bock, tiết lộ rằng số lượng nhân viên không có bằng cấp có xu hướng tăng lên khi công ty ngừng yêu cầu bảng điểm đối với hầu hết tất cả mọi người.
"14% nhân viên của chúng tôi chưa bao giờ học đại học", ông Bock nói. Sự thẳng thắn của giám đốc nhân sự Google về giáo dục đại học đã "vạch trần" việc sử dụng điểm trung bình- GPA như một thước đo tuyển dụng. Ông nói rằng môi trường học thuật là một nơi "nhân tạo"- nơi mọi người được đào tạo chuyên sâu để chỉ thành công trong một môi trường cụ thể.
Trên thực tế, trong những năm đầu thành lập, Google xem xét kỹ lưỡng nơi các ứng viên theo học, "lôi kéo" những tài năng hàng đầu từ các trường đại học danh tiếng thông qua điểm số học tập. Tuy vậy, điều mà Bock và nhóm của ông phát hiện ra là không có mối quan hệ nào giữa việc nhân viên học ở đâu và những người đó thực sự đảm đương công việc của họ như thế nào.
Điểm số cũng không phải là tất cả tại Google. “Điểm B hoặc điểm C trong khoa học máy tính hoặc vật lý hoặc giải tích hoặc bất cứ thứ gì sẽ có trọng lượng hơn với nhà tuyển dụng so với điểm A ở môn lịch sử”.
Những phần thể hiện ở trường đại học "hoàn toàn không liên quan" đến công việc thực tế tại Google, bởi vì các kỹ năng được học rất khác, ông Bock cũng chia sẻ. “Một trong những nỗi thất vọng của tôi khi còn học đại học và cao học là bạn biết rằng giáo sư đang tìm kiếm một câu trả lời cụ thể. Bạn có thể tìm ra điều đó, nhưng sẽ thú vị hơn nhiều khi giải quyết các vấn đề không có câu trả lời rõ ràng".
Cách nhìn nhận của vị giám đốc cấp cao từ một thập kỷ trước đã thể hiện bước đột phá trong tư duy tuyển dụng của Google. Công ty tập trung hơn vào việc đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, phân tích dữ liệu, cách tư duy sáng tạo, khả năng không ngừng học hỏi và thích nghi với thách thức mới của ứng viên.
Bằng cách áp dụng phương pháp này, Google đã có thể khai thác được nguồn tài năng đa dạng hơn và mang đến những quan điểm mới cho nhân viên của mình.
Tư duy tuyển dụng "lạ" của Facebook
YouTube, một công ty con của Google, cũng "thách thức" những yêu cầu thông thường về bằng đại học. Hệ sinh thái đa dạng của YouTube, bao gồm những người sáng tạo nội dung và nhà phát triển, thừa nhận rằng sự đổi mới và sáng tạo thường nảy sinh từ những con đường độc đáo.
YouTube không ưu tiên giáo dục chính quy hay bằng cấp. Công ty mẹ của nền tảng này, Google, đã tác động đến các hoạt động tuyển dụng của YouTube, khuyến khích sự tập trung vào các kỹ năng thực tế, niềm đam mê và kiến thức chuyên môn được chứng minh.
|
|
YouTube thừa nhận rằng sự đổi mới và sáng tạo thường nảy sinh từ những con đường độc đáo, không phải từ bằng cấp đại học. |
Facebook, được thành lập bởi Mark Zuckerberg trong những năm đại học, ban đầu ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng. Tuy nhiên, công ty đã sớm nhận ra những hạn chế của phương pháp này.
Khi nhu cầu về nhân tài kỹ thuật tiếp tục vượt xa nguồn cung, Facebook đã áp dụng triết lý "Hacker Way", nhấn mạnh giá trị của trải nghiệm thực tế và học hỏi không ngừng, theo CBS News.
"Hacker Way" (Con đường của tin tặc) là triết lý cốt lõi thúc đẩy văn hóa và sự đổi mới của Facebook.Theo Mark Zuckerberg, thuật ngữ “hacker” thường hàm ý tiêu cực, mô tả “hacker” như những người phá phách, xâm nhập máy tính. Trên thực tế, "hack" cũng có nghĩakiến tạo hoặc thách thức các rào cản. "Hacker Way"nhấn mạnh việc học hỏi liên tục, lặp lại nhanh chóng và chấp nhận rủi ro táo bạo để tạo ra những kết quả có sức ảnh hưởng.
|
Mark Zuckerberg đã thấm nhuần tư duy này, khuyến khích nhân viên suy nghĩ cởi mở và minh bạch, đồng thời tập trung vào các mục tiêu dài hạn trong khi tiến nhanh. Nguyên tắc này đã định hình thành công của Facebook với tư cách là gã khổng lồ công nghệ hàng đầu.
Sự thay đổi này cho phép Facebook xác định và thu hút những cá nhân tài năng không được đào tạo bài bản nhưng thể hiện những kỹ năng và thành tích đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi những gã khổng lồ công nghệ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc loại bỏ rào cản bằng cấp, thì một số vai trò chuyên môn nhất định, chẳng hạn như khoa học dữ liệu, vẫn có xu hướng coi trọng giáo dục chính quy. Khoa học dữ liệu đòi hỏi một nền tảng vững chắc về toán học, thống kê và khoa học máy tính.
Tuy nhiên, ngay cả trong khoa học dữ liệu, các công ty vẫn nhấn mạnh đến kinh nghiệm thực tế, chứng chỉ chuyên ngành chỉ được coi là tiêu chuẩn tuyển dụng.
Lối đi khác
Để đáp ứng với bối cảnh tuyển dụng phát triển như ngày nay, các chứng chỉ kỹ năng thay thế đã bắt đầu trở nên nổi bật. Các chương trình này cho phép ứng viên phát triển các kỹ năng chuyên môn và đạt được kiến thức thực tế mà không cần đăng ký các chương trình cấp bằng bốn năm truyền thống.
|
|
Nhiều công ty công nghệ xem xét những bằng cấp, chứng chỉ kỹ năng này như một điểm cộng khi đánh giá ứng viên. |
Các nền tảng như Coursera, Udacity và LinkedIn Learning cung cấp các khóa học giúp ứng viên được đào tạo và cấp chứng chỉ theo ngành cụ thể. Nhiều công ty công nghệ xem xét những bằng cấp này như một điểm cộng khi tuyển dụng.
Ngoài ra, đối với sinh viên, thực tập tạo cơ hội để thể hiện kỹ năng và tiến tới cơ hội được tuyển dụng toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.
Đối với những cá nhân muốn chuyển sang ngành công nghệ mà không cần bằng cấp, học nghề cung cấp một lộ trình có cấu trúc để có được các kỹ năng cần thiết và xây dựng mạng lưới trong ngành.
Có thể thấy, trọng tâm tuyển dụng của các tập đoàn công nghệ lớn đã dần chuyển từ yêu cầu nghiêm ngặt về bằng cấp đại học sang cách tiếp cận toàn diện hơn, xem xét các kỹ năng thực tế, kinh nghiệm. Sự chuyển đổi này đã cho phép các công ty này tiếp cận với nguồn nhân tài đa dạng hơn, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và tạo luồng gió mới mẻ trong đội ngũ nhân viên.
Khi công nghệ tiếp tục định hình lại thế giới, việc áp dụng một chiến lược tuyển dụng toàn diện hơn không chỉ là nhu cầu kinh doanh. Đó là một bước hướng tới xây dựng một tương lai linh hoạt hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Theo vietnamnet