|
|
Một nghi thức dành cho người quá cố tại Lastel (khách sạn xác chết) tại Nhật Bản - Ảnh: Japan Times |
Vào cuối tháng 10, mẹ chồng của Mieko Kayama qua đời ở tuổi 90. Thay vì phung phí vào một đám tang xa hoa, Kayama, một cư dân 55 tuổi ở Tokyo, đã quyết định tổ chức đám tang đơn giản chỉ có bà và chồng tham dự. “Chúng tôi không có con và chồng tôi không có anh chị em ruột. Cha mẹ tôi cũng đã già và chúng tôi không thực sự dành thời gian cho họ hàng. Vì vậy, chúng tôi quyết định không mời mọi người và thay vào đó chọn một buổi lễ rất đơn giản trước khi đưa mẹ đến lò hỏa táng”, Kayama nói.
Với những bông hoa đặt thêm để trang trí quan tài, Kayama cho biết chi phí cho đám tang mẹ chồng chưa đến 400.000 yên (2.950 USD), bằng khoảng 1/3 số tiền mà các gia đình thường chi cho tang lễ ở Nhật Bản.
Kayama là một trong số ngày càng nhiều người Nhật chọn những dịch vụ nhỏ hơn, rẻ hơn thay vì các nghi lễ rươm rà, quy mô lớn. Năm 2021, Nhật Bản ghi nhận 1,45 triệu người chết, con số cao nhất kể từ Thế chiến II và số liệu thống kê mới nhất của chính phủ cho thấy năm 2022 có thể sẽ phá kỷ lục khác về số người chết.
Khi tỷ lệ người già tử vong ngày càng nhiều khiến các hoạt động nhà tang lễ quá tải, nhiều dịch vụ dành cho người đã mất mọc lên ở Nhật Bản. Cách ga Shin-Yokohama ở tỉnh Kanagawa khoảng 5 phút đi bộ là một tòa nhà 9 tầng với biển báo lối vào có hình minh họa hoa xinh xắn và từ “Lastel”— từ ghép của “cuối cùng” và “khách sạn”. Nhà trọ nghe có vẻ đặc biệt này được gọi là “khách sạn xác chết”. Trong "khách sạn", 1 phần là nhà xác, 1 phần là chỗ ở, cơ sở này mang đến cho tang quyến một cơ hội hợp lý để dành thời gian với người quá cố trước khi họ được đưa đến lò hỏa táng.
Thi hài người chết được lưu trữ với giá 10.000 yên/ngày và những người đưa tang có thể đến thăm họ bất cứ lúc nào. Các phòng thăm viếng nhỏ được chuẩn bị với bàn thờ và bệ cho phép đẩy quan tài ra vào. Và nếu trả 150.000 yên, các gia đình có thể qua đêm với người vừa mới qua đời trong một căn phòng có giường, bếp, lò vi sóng, tủ lạnh và các phòng phụ có bàn thờ và nhiều ghế, nơi có thể cử hành tang lễ.
Masayuki Onoue, Giám đốc điều hành của Nichiryoku Co., một công ty chuyên về dịch vụ tang lễ và nghĩa trang, đồng thời là nhà điều hành của Lastel, cho biết: “Khu vực này thực sự thiếu lò hỏa táng và việc chờ đợi một tuần không phải là hiếm. Vì vậy, trong khi các thành viên trong gia đình chờ đến lượt, chúng tôi cung cấp một nơi để họ có thể chia sẻ chút riêng tư với người đã khuất".
|
Chi phí tang lễ tăng cao khiến nhiều gia đình người Nhật chọn chôn cất các thành viên trong một ngôi mộ của gia đình |
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 năm nay bởi Kamakura Shinsho, một công ty internet tập trung vào các dịch vụ tang lễ thì có 55,7% trong số gần 2.000 người được hỏi đã tổ chức tang lễ gần đây cho biết họ chọn tang lễ gia đình, tiếp theo là 25,9% chọn các nghi lễ thông thường và 11,4% chọn hỏa táng ngay lập tức người mà không cần làm lễ.
Kensaku Omichi, nhà tư vấn quản lý tại Funai Soken, cho biết: “Hãy tưởng tượng bạn nghỉ việc ở tuổi 60 và sống đến 85 tuổi. Khi đó, nhiều đồng nghiệp và bạn bè cũ của bạn đã mất liên lạc hoặc bị ốm hoặc đã qua đời. Và COVID-19 là bước ngoặt vì nó cho mọi người lý do không mời quá nhiều khách đến dự đám tang. Nhìn về phía trước, tôi nghĩ những đám tang nhỏ hơn sẽ là tiêu chuẩn”.
Không chỉ chi phí cho các đám tang tăng cao, việc chọn nơi để tro cốt người đã mất cũng là một vấn đề ở Nhật, đặc biệt là ở các thành phố đông đúc như Tokyo. Điều đó đã tạo ra các giải pháp thay thế công nghệ cao và rẻ hơn cho các khu chôn cất truyền thống.
Khi chồng của Kimie Suehara qua đời 8 năm trước, ban đầu bà tìm kiếm một khu mộ gần nhà nhưng nhanh chóng từ bỏ. “Chúng có giá khoảng 1,7 triệu Yên, và đó là chưa kể bia mộ”, bà mẹ hai con 54 tuổi cho biết. Thay vào đó, Suehara quyết định chọn một nhà mồ được điều hành bởi một ngôi chùa gần nhà cô.
Du khách đến thăm nhà mồ này có thể tỏ lòng thành kính với người thân bằng cách đưa thẻ nhận dạng qua bảng điều khiển cảm ứng ở lối vào, sau đó bảng điều khiển này sẽ hướng dẫn họ đến một trong 10 gian hàng tang lễ trong tòa nhà. Một hệ thống tự động sẽ lấy đúng chiếc bình tro cốt và gắn nó vào bia mộ, trong khi hoa tươi và nhang được chuẩn bị. “Tổng cộng chưa tới 1 triệu yên và nó khá tiện lợi gần nhà của chúng tôi", Kimie Suehara nói.
Những cơ sở như vậy đã trở nên ngày càng phổ biến tại Nhật Bản trong thập kỷ qua. Và Kayama và chồng cô cũng dự định giữ mọi thứ đơn giản nhất có thể - ngay cả sau khi chết. “Vì không có ai nối nghiệp chăm lo mộ gia đình nên chúng tôi đã gửi tro cốt của mẹ chồng tôi vào một ngôi chùa để trông nom cùng với hài cốt của những người khác. Khi đến lượt chúng tôi đi, chúng tôi muốn nó đơn giản như vậy", Kayama nói.
Theo phụ nữ TPHCM