Tháng 5/2017, nữ chuyên gia Ding Xuan (63 tuổi) về văn hóa truyền thống ở Trung Quốc gây bất bình vì lời giảng trước sinh viên tại Đại học Jiujiang (tỉnh Giang Tây).

"Trinh tiết là tài sản và món quà tốt nhất mà người vợ có thể dâng tặng lên người chồng", nữ chuyên gia công khai quan điểm.

Ngay lập tức, phát ngôn ấy bị "ném đá". Nhiều người chỉ trích bà Ding đại diện cho "Trung Quốc thời phong kiến", không biết ủng hộ phụ nữ mà đứng về phía tư tưởng cổ hủ.

                                                                             "Còn trinh", "biết phục tùng" là tiêu chí chọn vợ, thay vì tình yêu hay sự hòa hợp của đôi bên. Ảnh: Sixth Tone.


Dù vậy, câu nói của bà Ding đã cho thấy việc đánh giá phẩm chất của nữ giới dựa vào việc còn trinh hay không vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người.

Thậm chí, đây còn trở thành tiêu chuẩn để chọn bạn gái hay cưới vợ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á.

Mới đây, người chơi của chương trình Hẹn ăn trưa bị chỉ trích vì những đòi hòi về trinh tiết của bạn gái, yêu cầu người phụ nữ của mình phải giữ được sự trong trắng cho đến khi xuất giá. Bên cạnh thái độ bất lịch sự, ngôn từ của người này khi nói về phụ nữ hoàn toàn không phù hợp cho một chương trình giải trí.


                                                  Bên cạnh thái độ bất lịch sự, ngôn từ của người này khi nói đánh giá về phụ nữ là không phù hợp cho một chương trình giải trí.


Đo phẩm giá bằng cái "ngàn vàng"

Cuối năm 2019, mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng trước tin Bao Li (không phải tên thật nhân vật), sinh viên năm cuối trường Luật thuộc ĐH Bắc Kinh, tự tử vì bị bạn trai hành hạ tinh thần trong thời gian dài.

Sự việc xuất phát từ chỗ gã bạn trai tên Mou Linhan phát hiện mình không phải là người đàn ông đầu tiên của Li. “Cô đã trao trinh trắng cho người đàn ông khác mà không phải tôi. Cô đúng là đồ không biết xấu hổ, ngu ngốc và rẻ tiền như gái mại dâm” chỉ là một trong số vài tin nhắn Mou chửi mắng thậm tệ người yêu.

Sự đay nghiến từ bạn trai khiến Li rơi vào chán nản, tuyệt vọng và tìm đến cái chết.

Tháng 8/2019, phóng sự về tình trạng kết hôn xuyên biên giới tại Hàn Quốc của đài MBC tiết lộ nhiều trường hợp đàn ông nước này tìm vợ với tiêu chí "còn trinh" và "biết phục tùng".

Trên YouTube và website của các cơ sở môi giới, các cô dâu ngoại quốc được quảng cáo như những "món hàng" với đầy đủ chỉ số cơ thể, ảnh chân dung, hoàn cảnh gia đình, tình trạng hôn nhân.

Ngoài những yếu tố đó, nhân viên môi giới còn nhấn mạnh với khách hàng các cô gái được giới thiệu đều "nguyên đai nguyên kiện".

"Tôi vẫn nhớ đêm đầu tiên. Đúng là còn trinh", một người đàn ông xuất hiện trong phóng sự nói với vẻ hài lòng.

                             Chuyện sex trước hôn nhân được coi là điều cấm kị với phái nữ ở nhiều nơi, song nam giới lại không bị chỉ trích vì vấn đề này. Ảnh: New York Times.


Còn tại Ấn Độ, kiểm tra trinh tiết cô dâu trong đêm tân hôn là thủ tục bắt buộc tại nhiều bang. Đôi vợ chồng sẽ trải qua cuộc tân hôn bên trong phòng, còn gia đình và các thành viên hội đồng làng chờ đợi bên ngoài.

Nếu cô dâu không chảy máu khi quan hệ, nhà chú rể có thể hủy hôn, còn nhà gái chịu tiếng xấu, sỉ nhục suốt phần đời còn lại.

Năm 2018, BBC đưa tin về câu chuyện của Anita, cô gái 22 tuổi sống tại bang Maharashtra (phía tây Ấn Độ). Cô từng nghĩ rằng tục lệ kiểm tra "đức hạnh" chỉ để cho có và đã quan hệ tình dục với chồng từ lúc cả hai hẹn hò.

Tuy nhiên, gã chồng trở mặt, giơ tờ giấy trắng tinh trước mặt hội đồng làng và đòi hủy hôn. Cuộc hôn nhân vẫn tiếp tục sau khi các nhân viên xã hội biết chuyện đã kêu gọi cảnh sát vào cuộc. Nhưng bi kịch của người vợ trẻ chưa chấm dứt.

Cô bị chồng đánh đập và lăng mạ. Kể cả Anita khi có bầu, gia đình chồng và hội đồng làng vẫn truy hỏi cô về chuyện ai thực sự là bố đứa trẻ trong bụng.

Con trai vẫn còn nằm nôi, Anita bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ. Sự kỳ thị sau cuộc kiểm tra trinh tiết "thất bại" khiến các chị em gái cô cũng bị từ chối kết hôn.

Tại Bangladesh, luật hôn nhân từng yêu cầu cô dâu phải chọn một trong ba lựa chọn trên giấy đăng ký kết hôn: là một "Kumari" (tức còn trinh), góa phụ, hay đã ly hôn. Luật này duy trì từ năm 1961 và mới chỉ bãi bỏ 2 năm gần đây.

                                                                                            Các cuộc kiểm tra trinh tiết con gái thường do người ngoài ép buộc. Ảnh: Mumbai Live.

Đàn ông được dung túng


Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đưa ra lời cảnh báo rằng không có xét nghiệm nào có thể chứng minh chính xác liệu phụ nữ từng quan hệ tình dục hay không.

"Có nhiều lý do khiến một phụ nữ không chảy máu trong lần đầu quan hệ tình dục như chơi thể thao nhiều, từng thủ dâm trước đó và không loại trừ trường hợp bạn tình làm mọi thứ nhẹ nhàng", tiến sĩ phụ khoa Sonia Naik nói với BBC.

Dù giới chuyên gia đã nhấn mạnh vậy, sự thật là quan niệm phải lấy vợ còn trong trắng đã ăn sâu vào tư tưởng của cả hai giới.

Feng Yuan, nhà hoạt động xã hội vì nữ quyền lâu năm tại Trung Quốc, giải thích vấn đề trinh tiết thường bị đặt nặng quá mức do căn nguyên lịch sử.

“Trong xã hội phong kiến, phụ nữ trong trắng được coi là thành tích của phái mạnh vì họ chưa từng bị chiếm hữu trước đó. Nhu cầu tình dục của phái nữ không hề được coi trọng, nhiệm vụ của họ là sinh con. Lối nghĩ ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ người dân suốt nhiều thế hệ”, bà Feng lập luận.

Điều đáng nói là dù phụ nữ bị đòi hỏi phải biết giữ gìn tiết hạnh trước hôn nhân, vẫn xảy ra chuyện đàn ông được khuyến khích coi thường, lợi dụng nữ giới như một cách chứng minh nam tính.

                                           Lối nghĩ phụ nữ là món đồ trong tay để đàn ông điều khiển vẫn mặc nhiên tồn tại trong suy nghĩ của nhiều nam giới châu Á. Ảnh: BI.


Chính tiêu chuẩn kép đặt lên phái yếu và sự dung túng đã dẫn đường cho những tư tưởng lệch lạc như hẹn hò với phụ nữ có kinh nghiệm giường chiếu, song chỉ lấy ai còn trinh.

Ở Trung Quốc, các lớp học "dạy tán gái" biến tướng đã mọc lên suốt 10 năm qua với mục đích điều khiển phụ nữ vì nhu cầu tình dục đàn ông.

Quan niệm tình yêu lãng mạn bị gạt bỏ. Thay vào đó là ý tưởng "đàn ông nên ngủ với càng nhiều phụ nữ càng tốt" và thống trị họ hoàn toàn.

Wang Huanyu, người tự nhận mình là “chuyên gia tán gái giỏi nhất Trung Quốc” lên mạng khoe trên mạng chuyện “ngủ với ba phụ nữ một ngày”. Trong các video, Wang chỉ dạy các chiêu thức tán tỉnh phụ nữ để các cô gái “không thể từ chối lời mời đi vào khách sạn cùng bạn”.

“Quan hệ tình dục là cái đích cuối cùng”, Wang khẳng định trong một video.

Theo Zing