Chụp ảnh cưới là ngành kinh doanh hái ra tiền ở Trung Quốc. Song với hàng triệu cặp đôi ly hôn mỗi năm, nhiều bộ ảnh cưới cuối cùng bị nhét vào nhà kho hoặc vứt lên xe chở rác.

Một công ty đã đưa ra giải pháp thay thế: Những người ly hôn có thể đem ảnh cưới đi phá hủy và tái chế để biến chúng thành nhiên liệu sản xuất điện.

"Từ những trao đổi hàng ngày trong công việc kinh doanh, chúng tôi nhận thấy việc tiêu hủy đồ đạc cá nhân là một vùng đất hoang trên toàn quốc... Những người có ít kinh nghiệm trên thị trường có lẽ sẽ không nắm bắt được cơ hội này", ông Liu Wei, chủ công ty nói trên, cho biết trong cuộc phỏng vấn với AFP tại nhà máy của ông, cách Bắc Kinh 120 km.
leftcenterrightdel
 Ông Liu Wei quay lại việc xịt sơn che mặt trên ảnh cưới của khách hàng

Bất chấp những cấm kỵ văn hóa xung quanh việc tiêu hủy hình ảnh người còn sống, công ty của ông Liu vẫn nhận được trung bình 5 đến 10 đơn đặt hàng mỗi ngày từ khắp nơi tại Trung Quốc. Chúng bao gồm những bức ảnh treo tường lớn, cũng như những bức ảnh trang trí và album có kích cỡ nhỏ hơn.

Công nhân bày số ảnh này trên sàn nhà kho để phân loại. Sau đó, họ che mọi khuôn mặt trong ảnh bằng sơn xịt màu tối để bảo vệ sự riêng tư của khách hàng và dùng búa tạ đập vỡ những đồ thủy tinh không thể cắt được.

Sử dụng điện thoại của mình, ông Liu quay lại những bức ảnh đã được che mặt và gửi video cho khách hàng để xác nhận lần cuối trước khi cho chúng vào một chiếc máy nghiền công nghiệp.

leftcenterrightdel
 Ảnh cưới được xử lý trong máy nghiền tại cơ sở của ông Liu

Ông ước tính công ty đã phục vụ khoảng 1.100 khách hàng – hầu hết ở độ tuổi dưới 45 và khoảng 2/3 là phụ nữ – kể từ khi ra mắt dịch vụ này một năm trước. Theo doanh nhân này, lý do hủy ảnh cưới thường rất phức tạp.

"Rất ít người trong số họ làm chuyện này với ý đồ xấu xa... Có thể những tấm ảnh đó gợi lên cho họ những suy nghĩ hoặc cảm xúc nào đó, hoặc là một trở ngại khó vượt qua đối với họ", ông nói. Theo ông, "họ chủ yếu muốn tháo gỡ những nút thắt trong lòng".

Một số khách hàng có thể trực tiếp đến xem quá trình phá hủy ảnh cưới như một sự kiện đánh dấu kết thúc của một chương trong cuộc đời họ.

Do tính chất không thể đảo ngược của việc này, công ty ông Liu sẽ cho khách hàng cơ hội cuối cùng để cứu vãn các món đồ của mình trong trường hợp họ hối hận. Sau khi họ xác nhận đồng ý phá hủy, ông quay cảnh nhân viên của mình nhẹ nhàng đẩy những bức ảnh vào trong máy nghiền đang chờ đợi để ngấu nghiến "thức ăn".

Sản phẩm tạo ra được đưa đến một nhà máy nhiên liệu sinh học gần đó và chúng được xử lý cùng với rác thải sinh hoạt khác để tạo ra điện.

leftcenterrightdel
 Mảnh vụn được tạo ra sau khi nghiền ảnh cưới

Tỷ lệ ly hôn đã tăng vọt ở Trung Quốc sau khi luật hôn nhân được nới lỏng vào năm 2003. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể từ khi chính phủ ban hành luật vào năm 2021 quy định thời gian "hòa hoãn" kéo dài một tháng trước khi các cặp vợ chồng chính thức đường ai nấy đi.

Trung Quốc ghi nhận 2,9 triệu cặp đôi ly hôn vào năm 2022, giảm so với mức hơn 4,3 triệu hai năm trước đó.

Số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn đã tăng vào năm ngoái, lần đầu tiên sau gần một thập niên, xoa dịu phần nào lo lắng của Trung Quốc trong lúc nước này tìm cách đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Theo Thanh niên