leftcenterrightdel
 30% nhân viên nam Nhật Bản nghỉ phép chăm con trong năm 2023, mức cao kỷ lục - Ảnh: iStock

Theo dữ liệu của Bộ Lao động, trong khi tỷ lệ nhân viên nam nghỉ phép chăm con là 30,1% trong năm 2023, tăng 13% so với năm 2022, thì tỷ lệ này ở nhân viên nữ là 84,1%, tăng 3,9%.

Mặc dù số lượng nhân viên nghỉ phép chăm con tăng mạnh, nhưng tỷ lệ nghỉ phép chăm con tại các công ty tư nhân vẫn khá thấp.

Thời gian nghỉ phép chăm con cũng được kéo dài, với tỷ lệ nhân viên nghỉ phép từ 1-3 tháng tăng lên 28%, từ mức 11,9% trong năm tài chính 2018, trong khi những người nghỉ phép dưới hai tuần giảm xuống 37,7%, từ mức hơn 70% trong năm tài chính 2018.

Xét theo quy mô công ty, 34,2% lao động nghỉ phép chăm con tại các công ty có 500 nhân viên trở lên, trong khi con số này là 26,2% tại các công ty nhỏ có từ 5 đến 29 nhân viên.

Một quan chức của Bộ Lao động cho rằng tỷ lệ này thấp hơn ở các công ty nhỏ là do thiếu hụt lao động, đồng thời các công ty này không có khả năng sửa đổi các quy định về lao động.

Theo ngành, tỷ lệ nghỉ phép chăm con đạt mức 55,3% ở các dịch vụ liên quan đến cuộc sống hàng ngày và giải trí, 43,8% ở các công ty tài chính và bảo hiểm.

Trong khi đó, tỷ lệ này lên tới 16,9% trong ngành bất động sản và cho thuê hàng hóa, 21,1% trong ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng.

Cuộc khảo sát mới nhất bao gồm những người lao động đã nghỉ phép chăm con trước ngày 1/10/2023, sau khi sinh con trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021-9/2022. Chính phủ cho biết trong số 6.300 đơn vị được khảo sát, có 3.495 đơn vị đã phản hồi.

Theo phụ nữ TPHCM