Tình trạng suy thoái kinh tế đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người lớn tuổi trên thế giới khi chi phí nhà ở tăng cao, lạm phát làm giảm giá trị của thu nhập cố định...

Mọi thứ trở nên khó khăn hơn

Trên khắp nước Mỹ, những người lớn tuổi sống bằng các khoản thu nhập hạn chế đang ngày càng lo lắng và buồn phiền hơn. Một số bị mất việc trong đại dịch COVID-19. Những người khác đang phải đối mặt với áp lực tăng tiền thuê nhà, giá cả hàng hóa ngày càng đắt đỏ.

leftcenterrightdel
 Một “nhân viên mầm non” đến thăm các cư dân lớn tuổi tại Viện Dưỡng lão Ichoan ở Kitakyushu, Nhật Bản - Ảnh: Ichoan Nursing Home 

Một “nhân viên mầm non” đến thăm các cư dân lớn tuổi tại Viện Dưỡng lão Ichoan ở Kitakyushu, Nhật Bản - Ảnh: Ichoan Nursing Home 
Chỉ số người lớn tuổi - một thước đo về chi phí lão hóa được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Lão khoa thuộc Đại học Massachusetts - Boston - cho thấy tại Mỹ, 54% phụ nữ lớn tuổi sống một mình có thu nhập thấp hơn mức cần thiết để có thể chi trả cho các chi phí thiết yếu.

Đối với đàn ông độc thân, con số này là 45%. Bà Cohen (79 tuổi) đã rất bối rối kể từ khi biết rằng chủ sở hữu của khu chung cư mà bà đang ở sẽ tăng giá cho thuê. “Tôi không biết phải nói gì, mọi thứ thật khó khăn”, bà chia sẻ.

Cách đó hàng ngàn cây số, bà Chua Lye Tszio (78 tuổi) sống một mình trong một căn hộ thuê ở Tampines, Singapore và không có tiền hưu trí. Bà nhận được 600 SGD trợ cấp mỗi tháng từ bốn cô con gái. Nhưng số tiền này ngày càng trở nên nhỏ bé so với vật giá, khi tỷ lệ lạm phát cơ bản đạt mức cao nhất trong 13 năm qua.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng quản trị Quỹ bảo trợ Trung ương (CPF), những người cao tuổi ở Singapore hiện nhận được khoản trợ cấp tiền mặt ít hơn từ người thân so với trước đây. Đồng thời, giá tiêu dùng tăng cao hơn khiến chi phí sinh hoạt chiếm đến 96% tổng thu nhập của nhóm người từ 56-78 tuổi, cao hơn mức trung bình 64% của người trưởng thành.

Ông Joe Tan - người quản lý tại Tổ chức Từ thiện Care Corner Seniors Services - cho biết: “Con cái có thể cắt giảm khoản trợ cấp tiền mặt cho cha mẹ khi thu nhập của chúng không tăng kịp với tốc độ tăng của lạm phát. Rắc rối nảy sinh khi người lớn tuổi bù đắp cho điều này bằng cách ăn ít hơn hoặc chọn thực phẩm kém chất lượng và bỏ qua các cuộc hẹn khám bệnh”.

Một khía cạnh nữa đáng quan tâm chính là lạm phát có thể dẫn đến sự cô lập đối với người lớn tuổi. Theo Cơ quan Thống kê Canada, 27,9% người lớn tuổi ở nước này sống một mình trong giai đoạn 2017-2018.

Đối với bà Dorothy Bagan - người sống một mình ở thành phố Calgary, tỉnh Alberta - lạm phát đồng nghĩa với việc bà phải dè sẻn chi tiêu bằng cách hủy dịch vụ điện thoại di động, cắt giảm truyền hình cáp, và giữ cho danh sách mua hàng tạp hóa không quá dài. Bán đi chiếc xe hơi, bà chọn sử dụng phương tiện công cộng và tham gia nhóm tình nguyện viên cộng đồng. Dù vậy, cuộc sống xã hội của bà dần thu hẹp. Bà Bagan cho biết: “Vòng tròn bạn bè của tôi giảm đi. Trong hai người bạn thân mà tôi có, chỉ một người vẫn còn có thể lái xe nên việc gặp nhau quả là thử thách”.

Nhiều chính sách hỗ trợ người lớn tuổi

Tại Úc, hơn 4,7 triệu người lớn tuổi đang phải vật lộn với áp lực chi phí sinh hoạt sẽ nhận được sự trợ giúp về tài chính. Từ ngày 20/9, trợ cấp hưu trí, trợ cấp cho người khuyết tật và thanh toán cho người chăm sóc hai lần mỗi tháng đều sẽ tăng thêm 38,9 AUD cho người độc thân và 58,8 AUD cho các cặp vợ chồng. Bộ trưởng Bộ Dịch vụ xã hội Úc Amanda Rishworth nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo Úc có một mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ giúp những người thiệt thòi nhất theo kịp chi phí sinh hoạt”. 

Tại Anh, cả nam giới và nữ giới đều có thể nhận trợ cấp hưu trí ở tuổi 66 kèm theo kiểm tra mắt và chăm sóc răng miệng miễn phí, cũng như xem truyền hình miễn phí nếu họ trên 75 tuổi. Còn tại Singapore, chính phủ cung cấp chương trình việc làm cho những người lớn tuổi muốn quay trở lại lực lượng lao động, bao gồm các lớp nâng cấp kỹ năng với chi phí thấp. 

Riêng đối với đất nước có dân số già cao như Nhật Bản, việc hỗ trợ an sinh người già còn nhận được sự trợ giúp của trẻ em. Viện Dưỡng lão Ichoan nằm ở Kitakyushu đã đưa ra một chương trình với sự tham gia của 32 “nhân viên mầm non”, tất cả đều dưới bốn tuổi. Các bé đã đến cùng với cha mẹ hoặc người giám hộ và dành thời gian để chơi đùa cùng các cư dân của viện dưỡng lão, hầu hết ở độ tuổi 80. 

Bà Kyoko Nakano (85 tuổi) cho biết: “Tôi không được gặp các cháu của mình thường xuyên, vì vậy những nhân viên mầm non là một món quà tuyệt vời”. Dù thích đan lát và xem ti vi, bà Nakano sẵn sàng bỏ mọi thứ để dành thời gian cho những đứa trẻ khi chúng đến chơi. “Chúng rất dễ thương, và chúng làm cho toàn bộ nơi này trở nên tươi sáng hơn. Năng lượng tuổi trẻ thật sự khác biệt”, bà Nakano nói thêm. 

Theo phụ nữ TPHCM