Cô là nhân viên kế toán, đã gần 6 tuần làm việc tại nhà và dừng hoàn toàn các hoạt động xã hội trong thời gian cao điểm dịch bệnh lây lan. Khi Covid-19 dần giảm ảnh hưởng đến đặc khu, Melissa nghĩ rằng cuối cùng cô cũng có thể thoải mái một chút, thì phát sinh những ca bệnh mới. Mọi việc hạn chế lập lại như trước.
Số ca nhiễm được xác nhận ở Hong Kong đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong hai tuần. Hơn 90% bệnh nhân là người trở về từ nước ngoài, đặc biệt là du học sinh từ Bắc Mỹ và châu Âu, nơi Covid-19 đang hoành hành. Một số bệnh nhân là khách du lịch về nước và những người tiếp xúc gần với họ.
"Hong Kong đang đối mặt với nỗi lo về y tế công cộng mới do làn sóng các ca Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài", Cục phó Sức khỏe và Lương thực Chui Tak-yi nói tại họp báo hôm 19/3.
Singapore, Đài Loan và Macau cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Chính quyền sở tại đang ra sức ngăn chặn khả năng lây nhiễm cộng đồng. Họ đã thành công trong việc kiểm soát làn sóng các ca lây nhiễm xuất phát từ đại lục mà không cần dùng đến các biện pháp mạnh mẽ như yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa nhà hàng và cửa hiệu hoặc nghiêm cấm tụ tập.
|
Người dân Hong Kong tại sân bay mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ phòng độc để tránh lây nhiễm nCoV. Ảnh:Reuters |
Macau đã thêm Nhật Bản và một vài quốc gia châu Âu vào danh sách hành khách phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Đặc khu áp dụng chính sách này với những người đến từ Italy, Hàn Quốc và Iran hồi tháng trước.
Hôm 16/3, Macau ghi nhận một người Hàn Quốc nhiễm nCoV sau khi trở về từ Bồ Đào Nha và trở thành ca thứ 11 của đặc khu này sau 40 ngày không có ca mới. Nhà chức trách yêu cầu bất cứ ai trở về từ nước ngoài đều phải cách ly. Số ca dương tính sau đó tăng nhanh chóng khiến Macau buộc phải cấm toàn bộ người lao động nước ngoài đang làm việc ở đặc khu trở về nếu họ đang ở nước ngoài. Nền kinh tế Macau phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động ngoại quốc. 28,9% dân cư là "lao động không thường trú", bao gồm công dân đến từ đại lục và Hong Kong.
Với Singapore, khoảng 70% số ca Covid-19 đến từ nước ngoài. Chính phủ yêu cầu người dân không ra khỏi biên giới. Bất cứ ai trở về sau ngày 20/3 phải tự cách ly hai tuần tại nơi ở và được kiểm tra thường xuyên bằng điện thoại di động hoặc thăm khám không báo trước.
Người phụ trách Y tế và Phúc lợi kiêm lãnh đạo Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Trung ương của Đài Loan, Chen Shih-chung cho biết: "Chúng tôi vô cùng quan ngại và áp lực. Hai tuần tới sẽ quyết định liệu chúng tôi có thể an toàn vượt qua dịch bệnh không".
Đài Loan đã ngừng nhập cảnh toàn bộ người nước ngoài, trừ cán bộ ngoại giao và một số người có visa thương mại. Các đoàn du lịch ra nước ngoài cũng bị cấm đến hết tháng 4. Người dân hồi hương phải cách ly. Giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động.
Hong Kong cũng thắt chặt các hạn chế về việc nhập cảnh từ nước ngoài. Bất cứ ai trốn cách ly sẽ đối mặt với án phạt 6 tháng tù hoặc số tiền phạt lên tới 25.000 đô la Hong Kong. Các nhà lập pháp đang kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, thậm chí cấm toàn bộ người không phải công dân nhập cảnh.
Yuen Kwok-yung, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Đây có thể là một trận chiến dài và rất mệt mỏi, quan trọng là chúng ta không được tự mãn. Chỉ cần lơ là, chúng ta có thể trở thành trường hợp tương tự Hàn Quốc hoặc Italy".
Theo vnexpress