|
|
Những đứa trẻ khai thác vàng làm việc tại một mỏ truyền thống ở làng Gam, Cộng hòa Trung Phi vào năm 2014 - Ảnh: AFP/Issouf Sanogo |
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, số liệu gần nhất vào năm 2021 đánh dấu mức tăng 37%, tương đương 64 tỉ USD, so với ước tính cuối cùng được công bố cách đây 1 thập kỷ. ILO cho biết đó là kết quả của việc ngày càng có nhiều người bị bóc lột và số tiền được tạo ra nhiều hơn từ mỗi nạn nhân.
“236 tỉ USD. Đây là mức lợi nhuận hàng năm đáng kinh ngạc được tạo ra từ lao động cưỡng bức trên thế giới ngày nay”, dòng đầu tiên trong phần giới thiệu của báo cáo cho biết.
Con số đó thể hiện thu nhập “bị đánh cắp một cách toàn diện từ túi người lao động” bởi những người ép buộc họ làm việc, cũng như số tiền bị chiếm đoạt từ người di cư và doanh thu thuế bị thất thoát của chính phủ.
Các quan chức ILO lưu ý rằng số tiền trên tương đương với sản lượng kinh tế của Croatia, một quốc gia thành viên EU, và làm lu mờ doanh thu hàng năm của những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Samsung.
ILO cảnh báo lao động cưỡng bức có thể khuyến khích tham nhũng, củng cố mạng lưới tội phạm và khuyến khích hành vi tiếp tục bóc lột.
Tổng giám đốc ILO Gilbert Houngbo muốn quốc tế cùng hợp tác để chống lại nạn lao động bóc lột. Ông nói trong một tuyên bố: “Những người bị lao động cưỡng bức phải chịu nhiều hình thức ép buộc. Việc giữ lại tiền lương một cách có chủ ý và có hệ thống là một trong những hình thức phổ biến nhất.
Lao động cưỡng bức kéo dài vòng xoáy luẩn quẩn của nghèo đói và bóc lột, đồng thời tấn công vào phẩm giá con người. Bây giờ chúng tôi biết rằng tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
ILO định nghĩa lao động cưỡng bức là công việc bị áp đặt trái với ý muốn của người lao động, đi kèm với sự đe dọa hoặc trừng phạt. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của công việc: Trong quá trình tuyển dụng, trong điều kiện sống gắn liền với công việc hoặc bằng cách buộc mọi người tiếp tục ở lại làm việc khi họ muốn rời bỏ.
ILO cho biết vào bất kỳ ngày nào trong năm 2021, ước tính có khoảng 27,6 triệu người bị cưỡng bức lao động - tăng 10% so với 5 năm trước đó. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi sinh sống của hơn một nửa số nạn nhân lao động cưỡng bức.
ILO cho biết khoảng 85% số người bị ảnh hưởng đang chịu sự lao động cưỡng bức do tư nhân áp đặt, trong đó bao gồm chế độ nô lệ hiện đại, chế độ nông nô và các hoạt động như ăn xin có tổ chức. Số còn lại bị chính phủ áp đặt lao động cưỡng bức - một hành vi không được đề cập trong nghiên cứu.
Mặc dù báo cáo cho biết chỉ hơn 1/4 số nạn nhân trên toàn thế giới là đối tượng bị bóc lột tình dục, nhóm này mang lại gần 173 tỉ USD lợi nhuận, tương đương gần 3/4 tổng lợi nhuận toàn cầu - một dấu hiệu cho thấy lợi nhuận cao từ việc mua bán dâm.
ILO cho biết khoảng 6,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại vào bất kỳ ngày nào vào năm 2021, và gần 4/5 nạn nhân trong số đó là trẻ em gái hoặc phụ nữ. Trẻ em chiếm hơn 25% tổng số trường hợp.
Lao động cưỡng bức trong ngành công nghiệp xếp ở vị trí thứ hai với giá trị 35 tỉ USD, tiếp theo là nhóm dịch vụ với giá trị gần 21 tỉ USD, nông nghiệp ở mức 5 tỉ USD và giúp việc gia đình ở mức 2,6 tỉ USD.
Theo phụ nữ TPHCM