LHQ cảnh báo khan hiếm nước đang "rút cạn nguồn sống của nhân loại"
Cập nhật lúc 18:34, Thứ sáu, 24/03/2023 (GMT+7)
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres kêu gọi các nước giải quyết vấn đề tiêu thụ nước quá mức khiến hạn hán và 1/4 thế giới không có nước sạch, an toàn.
Hôm 22/3, LHQ đã khai mạc hội nghị về nước đầu tiên sau gần nửa thế kỷ tại New York (Mỹ) với lời kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng khan hiếm nước trầm trọng.
Theo báo cáo của LHQ, 1/4 dân số thế giới không được tiếp cận với nước uống sạch, an toàn trong khi một nửa trên toàn cầu thiếu điều kiện vệ sinh cơ bản và tương lai càng tồi tệ hơn khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến tình hình trở nên bế tắc.
"Chúng ta đang rút cạn nguồn sống của nhân loại thông qua việc tiêu thụ quá mức và sử dụng không bền vững, đồng thời làm nước bốc hơi do việc ấm lên toàn cầu. Các chính phủ phải xây dựng và thực hiện các kế hoạch đảm bảo việc tiếp cận nước công bằng cho tất cả mọi người đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này" - Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết.
|
|
Người dân Ấn Độ chờ đến lượt lấy nước uống từ một xe bồn chở nước di động tại một khu dân cư ở New Delhi, Ấn Độ |
Theo Tổng thư ký LHQ, với tốc độ đầu tư như hiện nay, khả năng tiếp cận nước và vệ sinh môi trường sẽ không đạt được trong nhiều thập kỷ sau mục tiêu năm 2030. Với tốc độ này, chỉ 37% người dân ở châu Phi cận Sahara sẽ có nước an toàn vào năm 2030.
Theo phân tích của WaterAid, đầu tư cần tăng hơn gấp 3 lần lên ít nhất 200 tỉ USD/năm để thu hẹp khoảng cách và giúp mọi người trên hành tinh tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vào năm 2030.
Theo LHQ, đại dịch COVID-19 và sự cố khí hậu – đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước (hạn hán) ở nhiều quốc gia và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng (bão và lũ lụt cực đoan) – đã nhấn mạnh rằng việc tiếp cận với nước và vệ sinh có liên quan sâu sắc đến sức khỏe, hoạt động kinh tế, mất an ninh lương thực. Trong đó, trẻ em gái và phụ nữ không thể đi học hoặc làm công việc được trả lương nếu họ phải dành hàng giờ để đi lấy nước mỗi ngày. Ngoài ra, thiếu nước cũng không thể giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em hay béo phì ở người lớn nếu không được tiếp cận với nước sạch, an toàn và giá cả phải chăng.
Michael Dunford - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới khu vực phía đông châu Phi cho biết, nơi 82 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng do hạn hán – tăng từ 60 triệu người vào thời điểm này. “Xóa đói là không thể đạt được nếu không có an ninh nước", ông nói.
Theo phụ nữ TPHCM