Mỗi lần trên TikTok thịnh hành một xu hướng làm đẹp mới, Niket Sonpal (đến từ New York, Mỹ), bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa-dạ dày-ruột, lại nhận được nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn.

Sonpal cho biết phần lớn mẹo chăm da, sức khỏe lan truyền trên nền tảng chia sẻ video này đều không có bằng chứng cho thấy nó hiệu quả. Những lời khuyên trên mạng có thể từ vô hại đến gây nguy hiểm cho người dùng.

Chẳng hạn, việc uống nước diệp lục để giảm cân hay sử dụng kem chống nắng ở một số vùng để tạo đường nét khuôn mặt trông tự nhiên hơn.

“Chúng tôi nói về TikTok mọi lúc ở cơ quan. Tôi nghĩ nó có thể tệ hơn các nền tảng khác bởi vì một số người đang thực sự muốn tạo nội dung với yếu tố lan truyền mà không quan tâm đến cơ sở khoa học”, bác sĩ Dendy Engelman, chuyên về da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ, nói với New York Times.

                                                                                               Các trào lưu trên TikTok gây hoang mang cho người dùng. Ảnh: New York Times.


Engelman đã gặp vài trường hợp thực hiện thử thách Benadryl (dùng liều lượng lớn thuốc kháng histamin để gây ra ảo giác) và uống rượu Everclear (loại rượu chứa 95% cồn và bị cấm ở 14 bang tại Mỹ) để kiểm tra khứu giác. Đây không phải những hành động được bác sĩ hướng dẫn.

Thậm chí, một số influencer (người có ảnh hưởng) còn đưa ra lời khuyên như chuyên gia y tế dù không có bằng cấp liên quan, theo New York Times.

“Thật buồn cười vì bệnh nhân thường rất rụt rè khi thử các phương pháp điều trị của bác sĩ. Nhưng họ sẵn sàng bắt chước một hành động của influencer 18 tuổi trên Instagram”, Engelman nói.

Trào lưu độc hại


Việc biên soạn một danh sách đầy đủ các trào lưu làm đẹp vô bổ của TikTok là điều gần như không thể. Vì đa số nội dung trên nền tảng này lan truyền theo cấp số nhân trong thời gian ngắn cộng với sự tò mò của người dùng với cái mới.

Một trong số đó là “slugging” (tạm dịch: khóa chặt độ ẩm), phương pháp thoa một lớp Vaseline lên mặt rồi đi ngủ để hỗ trợ quá trình hydrat hóa.

Các bác sĩ da liễu cảnh báo rằng nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến làn da của người dùng. “Việc để một lớp dầu nhờn trên da của bạn qua đêm sẽ làm các lỗ chân lông bị tắc và nổi mụn”, bác sĩ Engelman cho biết.

                                                                                               Các video được gắn hashtag đều thu hút lượng xem lớn. Ảnh: BBC.


Tương tự đồng nghiệp, Neera Nathan, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mù quáng tin vào trào lưu tạo khối bằng kem chống nắng.

Nhiều influencer đã khuyên những người mệt mỏi với việc trang điểm nên sử dụng kem chống nắng dày với độ SPF cao.

Chỉ thoa vào những vị trí thường đánh khối sáng như đỉnh gò má và sống mũi để phần còn lại của khuôn mặt trông tối màu hơn. Nhờ đó, chúng ta có các đường nét thon thả, góc cạnh ngay cả khi không trang điểm.

Học viện Da liễu Mỹ cho rằng nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 trên vùng da hở.

“Đây là điều quan trọng phải làm từ khi còn trẻ để tránh ung thư da và chống lão hóa. Vì vậy, ý tưởng này đang nhắm vào đối tượng trẻ tuổi”, bác sĩ Nathan nói.

Tháng 4/2021, một trào lưu khác liên quan đến việc uống nước diệp lục đã nhận được sự quan tâm lớn.

Không ít người tin rằng đây là một “sản phẩm kỳ diệu” có thể tăng năng lượng, giảm cân và làm sáng da. Tuy nhiên, điều này không được các bác sĩ kiểm chứng hay có nghiên cứu chứng minh.

                                                                                                Nước diệp lục được quảng cáo trên TikTok. Ảnh: BuzzFeed.


Uống nước diệp lục là một trong những khuyến nghị vô hại hơn trên TikTok, nhưng nó có thể rất lãng phí tiền bạc.

“Nếu mọi người nhìn thấy kết quả từ chất diệp lục, có thể là do họ đang uống nhiều nước hơn bình thường”, bác sĩ Sonpal nhận định.

Trên TikTok, cuộc trò chuyện xung quanh thủ thuật “microneedling” (tạm dịch: lăn kim vi điểm) tại nhà đã tăng lên vào năm 2020 và có mức độ tương tác gấp 5 lần ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia cảnh báo trào lưu này mang lại rủi ro và nguy cơ nhiễm trùng cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng "microneedling" có thể cải thiện độ mềm mại của da và giảm nếp nhăn nhưng nó cần được thực hiện trong một môi trường thực sự sạch sẽ, an toàn.

“Nếu bạn tác động quá nhiều vào da, nó có thể dẫn đến thay đổi màu sắc, kết cấu và sẹo. Đôi khi nó khiến bạn xấu đi và ngược với nỗ lực làm đẹp”, Engelman nói.

Hậu quả vĩnh viễn


Tilly Whitfeld (21 tuổi, Australia), một ngôi sao truyền hình thực tế, đã trực tiếp tìm hiểu sự nguy hiểm của xu hướng làm đẹp trên mạng.

Sau khi dành thời gian tham gia show giám sát 24 giờ đắp mặt nạ đất sét hoặc trang điểm đậm, Whitfeld nhận được nhiều câu hỏi về các phương pháp này đã làm hỏng da của cô như thế nào.

Tháng 8 năm ngoái, khi đang lướt TikTok, cô nhìn thấy một video chỉ cách trị tàn nhang bằng kim khâu và mực. Theo hướng dẫn, các đốm nâu trên mặt sẽ mờ dần trong vòng 6 tháng.

Vì video không nói rõ loại mực nào, nên cô đã đặt mua mực xăm màu nâu trên eBay. Sau đó, cô phát hiện ra đó là hàng giả được làm với hàm lượng chì cao.

“Tôi đã xem lại các video này nhiều lần. Theo lời khuyên của chủ kênh, nó không gây hại gì cả, vì vậy tôi không nghĩ mình nên dừng lại”, Whitfeld kể.

                                                                                               Hậu quả của việc làm theo các trào lưu kéo dài rất lâu. Ảnh: Fashionair.


Vài ngày sau, khuôn mặt của Whitfeld sưng lên vì nhiễm trùng và bị mất thị lực trong một thời gian ngắn. Bây giờ cô có thêm sẹo trên má và mũi.

Với gần 12.000 USD chi cho việc điều trị, Whitfeld vẫn chưa tìm ra giải pháp để khắc phục hậu quả. Loại bỏ bằng laser dường như không ăn thua bởi vì loại mực mà cô sử dụng sẽ chuyển sang màu đen chứ không mờ đi.

“Nhiều người tự xưng là chuyên gia và đưa ra lời khuyên độc hại với lời khẳng định chắc nịch rằng nó không gây hại”, Sonpal nhấn mạnh.

Từ trường hợp của Whitfeld, những chuyên gia hy vọng công ty điều hành nền tảng này sẽ siết chặt khâu kiểm duyệt với nội dung làm đẹp tại nhà.

Theo Zing