Lối sống tiết kiệm trở thành trào lưu mới của giới trẻ Trung Quốc
Cập nhật lúc 09:53, Thứ tư, 21/09/2022 (GMT+7)
Xuất phát từ những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế vì đại dịch COVID-19, giới trẻ Trung Quốc không còn chi tiêu xa xỉ, thay vào đó hướng đến sự tinh giản tối đa.
|
|
Người dân Trung Quốc chuộng lối sống tối giản, sau ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế |
Gần đây, những người ở độ tuổi 20 và 30 của Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền mặt đáng kể, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa của chính phủ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi thị trường bất động sản đang chững lại.
Trước đại dịch, cô Doris Fu (39 tuổi, nhân viên tiếp thị tại Thượng Hải) đã tưởng tượng ra một tương lai khác cho bản thân và gia đình như sẽ sắm ô tô mới, căn hộ lớn hơn, đi du lịch vào cuối tuần và tận hưởng các kỳ nghỉ lễ trên các hòn đảo xinh đẹp.
Tuy nhiên kể từ đợt suy thoái kinh tế, cô đã đột ngột thay đổi suy nghĩ: “Tôi không còn ra tiệm làm móng tay nữa. Tôi cũng không làm tóc nữa. Tôi đã tự đến cửa hàng mua tất cả các mỹ phẩm cần thiết. Tôi từng thường đi xem hai bộ phim mỗi tháng nhưng giờ tôi còn không bước vào rạp chiếu phim, kể từ khi đại dịch xảy ra”.
Lối sống tiết kiệm này đang trở thành xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, không khó để bắt gặp những bài quảng cáo về các mẹo cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tiền của thanh niên đất nước tỷ dân. Tuy nhiên điều này đang trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bởi chi tiêu của người tiêu dùng trong nước chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc.
Theo Reuters trào lưu sống thanh đạm mới bắt nguồn từ hệ lụy do chính sách "zero-Covid", bao gồm phong tỏa nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và xét nghiệm hàng loạt, của Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.
Cuộc đàn áp của chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn cũng có tác động lớn đến lực lượng lao động trẻ. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi tại đây đạt mức gần 19% trong tháng 8, sau khi lập kỷ lục 20% trong tháng 7.Mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc cũng đã giảm 1% trong ba tháng đầu năm.
Theo phụ nữ TPHCM