Trong mắt nhiều người, Tokyo (Nhật Bản) là thành phố đầy năng động, giàu yếu tố văn hóa và cũng là điểm đến quen thuộc của du khách. Nhưng trong Lost in Translation (tựa tiếng Việt: Lạc lối ở Tokyo), nơi này trở thành bối cảnh cho một câu chuyện chất chứa đầy nỗi cô đơn. 20 năm trước, vào tháng 8/2003, bộ phim của đạo diễn Sofia Coppola ra mắt ở liên hoan phim Telluride (Mỹ) trước khi vụt sáng và trở thành một hiện tượng điện ảnh hiếm có bấy giờ.
|
2 diễn viên chính trong phim đều để lại ấn tượng về diễn xuất |
Với chỉ 4 triệu USD kinh phí, dự án thu về đến 118 triệu USD và được nhắc đến suốt nhiều năm sau đó. Bộ phim cũng đưa tên tuổi Scarlett Johansson, khi đó chưa tròn 20 tuổi, đến với khán giả toàn cầu.
2 tâm hồn cô độc nơi đất khách quê người
Bộ phim xoay quanh Bob Harris (Bill Murray) - một tài tử điện ảnh danh tiếng nhưng sắp hết thời, nhận lời đến Tokyo quay một quảng cáo rượu. Lạc lõng và mệt mỏi, anh tình cờ gặp một cô gái trẻ đã kết hôn là Charlotte (Scarlett Johansson) đang theo chồng trong chuyến công tác. Mối duyên đẩy họ lại gần nhau ở xứ sở xa lạ.
Dù có tiền đề như thế, Lost in Translation không phát triển theo hướng một cuốn phim ướt át hay kịch tính. Tình cảm của Bob và Charlotte được giữ ở mức vừa phải, để bộ phim có thể tập trung hơn vào ý tưởng chính là sự cô đơn của con người.
Là ngôi sao nổi tiếng toàn cầu, Bob có tất cả, từ tiền tài đến danh vọng. Tuy nhiên, anh đang gặp khủng hoảng tuổi trung niên khi dần đánh mất ngọn lửa nhiệt huyết. Sau nhiều năm tháng đắm mình trong công việc, Bob giờ là một người đàn ông đứng tuổi mệt mỏi với cuộc sống, chẳng còn muốn cố gắng vì đam mê nào, mà có khi cũng chẳng biết mình còn đam mê gì không.
Trong khi đó, Charlotte mới tốt nghiệp Đại học Yale danh giá và không biết mình muốn gì. Trước mặt cô gái trẻ ưu tú như vậy hẳn có rất nhiều hướng đi. Thế mà nàng vẫn cứ mãi dùng dằng, không chắc chắn trong mọi chuyện. Trong đời tư, Charlotte đã kết hôn nhưng chồng cô lại mải mê chạy theo công việc mà bỏ mặc vợ.
|
Phân cảnh thể hiện nỗi cô đơn của nhân vật |
Bối cảnh của bộ phim - Tokyo - là thành phố có nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt rất nhiều so với quê nhà của 2 nhân vật chính. Khoảng cách văn hóa khiến họ cảm thấy bị cô lập khi phải vật lộn để giao tiếp và kết nối với những người xung quanh. Đúng như tên gọi của phim, có rất nhiều trích đoạn mà Bob không thể hiểu được ngôn ngữ của những người Nhật xung quanh. Trên trường quay đoạn phim quảng cáo, trông anh thật lạc điệu và tách biệt với ê kíp.
Bob được trả lương rất cao cho các vai diễn nhưng anh lại cảm thấy bị ngắt kết nối với chính cuộc sống này. Sự nghiệp của anh không còn ý nghĩa, còn cuộc hôn nhân thì đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tình bạn ngày càng phát triển giữa Bob và Charlotte trở thành nguồn an ủi đáng kể cho cả hai. Ở thành phố xa lạ đó, cơ duyên lại khiến họ phát hiện một người để mình có thể trút nỗi niềm.
Hành trình của cả hai đi từ việc sơ giao đến chia sẻ những suy nghĩ, rồi cuối cùng là không ngần ngại để lộ khía cạnh dễ bị tổn thương cho nhau. Đạo diễn khéo léo xây dựng sự tương thông giữa họ không phải qua lời nói mà ở cách giao tiếp qua ánh mắt và cử chỉ. Có những nụ cười hay biểu hiện trên gương mặt đủ để họ thu hẹp dần khoảng cách
với nhau.
|
Vẻ đẹp căng tràn sức sống của Scarlett Johansson ở tuổi 18 |
Thước phim của sự cô đơn
Lost in Translation miêu tả sự cô đơn như một cảm xúc phức tạp và đa diện, có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ rào cản văn hóa và ngôn ngữ đến sự mất kết nối cá nhân.
Ý tưởng này xuất hiện ngay từ phân đoạn mở đầu, với cảnh quay cận trung phía sau của Charlotte. Đó là một phụ nữ nóng bỏng nhưng lại đơn độc và tĩnh lặng. Sau phân đoạn này, chúng ta được thấy Bob trong dáng vẻ mệt mỏi trên chiếc ô tô. 2 bên đường là những hoạt động sôi nổi trên phố nhưng tấm kính xe lại tạo ra sự phân cắt của Bob với thế giới xung quanh.
Tấm kính cũng được dùng nhiều lần để diễn tả sự lạc lõng và chia cắt. Một trong những cảnh quay buồn nhất phim là khi Charlotte bán khỏa thân bên cửa sổ, với Tokyo phía ngoài. Trích đoạn như thu trọn nỗi băn khoăn của cô khi không biết phải làm gì với cuộc đời mình.
Bộ phim xây dựng tương tác của 2 nhân vật chính với những người họ gặp là thoáng qua và hời hợt. Những người trong ê kíp quay phim, những người khách cùng khách sạn và người dân địa phương không thể mang lại các cuộc đối thoại giàu ý nghĩa và có chiều sâu. Ở một cảnh quay thang máy, chiều cao vượt trội của Bob với những người xung quanh cũng tô điểm thêm cho ý tưởng chính của phim.
Diễn xuất của Bill Murray và Scarlett Johansson đóng góp đáng kể vào chủ đề khám phá sự cô đơn và phức tạp trong các mối quan hệ của con người.
Trailer phim Lost in Translation:
Hiếm có diễn viên nào có thể pha trộn tinh tế giữa hài hước châm biếm, sự tổn thương của người đàn ông và nỗi buồn tinh tế như Murray đã làm trong bộ phim này. Chúng ta có thể cảm nhận sự chán đời của Bob nhưng nỗi niềm đó không bị biến thành một phản ứng tiêu cực với cuộc sống. Trái lại, tương tác của anh với các nhân vật khác được phủ lên bằng một thái độ mệt mỏi nhưng bên trong đầy lòng trắc ẩn.
|
Phân cảnh thu trọn nỗi buồn của nhân vật Charlotte |
Ở tuổi 18 khi quay phim, Scarlett Johansson bộc lộ những phẩm chất của một ngôi sao tương lai. Cô thể hiện chân thực nội tâm ưa chiêm nghiệm của Charlotte - một phụ nữ trẻ đang cố gắng tìm kiếm vị trí của mình trong thế giới. Vẻ đẹp căng tràn sức sống của Johansson là thứ phơi bày trên màn ảnh nhưng ẩn sâu trong đó lại là một tâm hồn đầy xáo trộn và hoài nghi về con đường trước mắt. Màn trình diễn của cả Murray và Johansson đều gợi lên sự đồng cảm và thiết lập mối liên kết tình cảm mạnh mẽ giữa người xem và các nhân vật.
Lost in Translation chọn một cái kết mở khi giấu đi những lời cuối cùng mà Bob nói với Charlotte. Không có gì là chắc chắn về tương lai mối quan hệ của họ nhưng bộ phim vẫn kết thúc bằng sự tươi sáng, khi đường phố xung quanh chiếc xe của Bob trên đường về đã sáng sủa hơn. Nó để lại dư vị đẹp cho khán giả và có lẽ đã giúp cân bằng được với sự buồn bã trước đó.
Một điều tuyệt vời ở bộ phim là làm về nỗi buồn nhưng không cố nhấn khán giả vào nỗi buồn, cũng không cố đưa ra quá nhiều triết lý. Trái lại, nó như mời gọi khán giả suy ngẫm về những trải nghiệm của chính mình, về chính câu chuyện của mình, cũng như nỗi khao khát phổ quát về sự kết nối thực sự của con người. Những lúc hừng hực khí thế trong đời, ta sẽ thấy bộ phim quá chậm rãi và buồn tẻ nhưng trong một ngày tĩnh lặng hơn, có thể ta sẽ đồng cảm với nó.
Theo phụ nữ TPHCM