Covid-19 buộc các công ty du lịch ở châu Á phải cải tiến mô hình kinh doanh, nhiều nơi chuyển hướng sang tinh gọn cơ cấu và duy trì lực lượng nhân sự linh hoạt hơn. Một số công ty khác tìm kiếm cơ hội bằng cách hợp tác với các lĩnh vực đang phát triển mạnh như các nhà cung cấp hậu cần để vượt qua khủng khoảng.
Một trong số đó là kết hợp với các đối tác thương mại điện tử để cung cấp các sản phẩm lưu niệm cho khách hàng như trái cây Nhật Bản, đồ ăn vặt Đài Loan, khoai tây chiên lắc trứng muối Singapore... Đây là các biện pháp mở rộng kinh doanh, giữ chân khách hàng. Nhiều người hy vọng điều này sẽ tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi cho cả công ty du lịch và người tiêu dùng.
Chuyên gia trong ngành cũng gợi ý các công ty nên hợp nhất các quy trình, nhằm duy trì tinh gọn cơ cấu tối đa, để thực hiện cùng một khối lượng công việc với nguồn lực ít ỏi hơn cho đến khi ngành du lịch phục hồi sau cuộc khủng hoảng.
Rabia Yasmeen, chuyên gia tư vấn từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, cho rằng các hãng lữ hành còn một phương án khác. Đó là các công ty hoạt động ở các vùng khác nhau trong cùng một quốc gia, thành phố có thể hợp tác để cắt giảm chi phí quản lý.
Theo Yasmeen, nhu cầu du lịch sụt giảm đã khiến các công ty lữ hành đặt câu hỏi về phương thức kinh doanh cũ và tính bền vững của chúng. Tương lai của du lịch sau Covid-19 chắc chắn sẽ khác trước. "Các nhà điều hành tour truyền thống vốn dựa vào bán hàng ngoại tuyến đang dần chuyển sang trực tuyến. Các đại lý du lịch trực tuyến, các nền tảng đặt phòng nghỉ trước đây đã đầu tư rất nhiều để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và quảng cáo. Hiện họ cũng tìm cách giảm chi phí", cô nói thêm.
Các hãng lữ hành, đại lý du lịch đã chịu toàn bộ gánh nặng của đại dịch, với mức giảm doanh thu toàn cầu 46% vào năm 2020, theo dữ liệu của Euromonitor. Các công ty du lịch ở Hong Kong giảm 68% doanh thu, khi lượng khách du lịch giảm gần 94%. Năm 2020, xứ cảng thơm đón 3,75 triệu du khách, mức thấp nhất trong 36 năm trở lại, theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Hong Kong.
Tại Hong Kong, 88 công ty du lịch đóng cửa vào 2020, trong khi nhiều nơi phải sa thải nhân viên hoặc chuyển đến các văn phòng nhỏ hơn, theo Hội đồng Công nghiệp Du lịch. Tính đến tháng 12, 1.734 đại lý vẫn còn hoạt động. Ronald Wu, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Hong Kong, cho biết ngày càng có nhiều đại lý du lịch trong thành phố sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ tương tự với ít nhân lực hơn.
Tại Singapore, doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành giảm 59%. Steven Ler, chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Singapore (Natas), cho biết đại dịch ngăn mọi người đến văn phòng, khiến các công ty phải xem xét lại chi phí thuê mặt bằng, cân nhắc khả năng mở rộng nguồn lực. Chi phí thuê mặt bằng và tiền lương cho nhân viên là hai yếu tố tốn chi phí nhất của một công ty du lịch. Ông chỉ ra rằng việc hợp tác giữa các công ty trong đại dịch không dễ dàng vì nó đòi hỏi thay đổi trong tư duy kinh doanh và quản lý.
Theo vnexpress