leftcenterrightdel
Nhật Bản có nguy cơ tạo ra thiếu hụt lao động trầm trọng trong các lĩnh vực quan trọng như xây dựng và chăm sóc y tế, điều dưỡng. (Nguồn: Reuters) 

Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài vào năm 2021, chiếm 2,5% dân số đang làm việc và gấp 2,5 lần so với một thập kỷ trước đó.

Người Trung Quốc từng là nhóm đông nhất nhưng đến năm 2020 đã bị người Việt Nam thay thế.

Tình trạng thiếu lao động trầm trọng

Theo thống kê tính đến cuối năm 2021, có tới trên 50% lao động nước ngoài trong ngành xây dựng đến từ Việt Nam, trong khi Philippines khoảng 10% và Trung Quốc khoảng trên 15%.

Trong ngành chăm sóc y tế và điều dưỡng, lao động Việt Nam chiếm khoảng 23%, thấp hơn so với mức khoảng trên 25% lao động của Philippines và cao hơn so với mức khoảng 19% lao động Trung Quốc.

Một số công ty chuyên về giới thiệu việc làm tại Nhật Bản từ các quốc gia như Việt Nam dự đoán sẽ thiếu hạn ngạch trong năm tới. Điều đó có nguy cơ tạo ra thiếu hụt lao động trầm trọng trong các lĩnh vực quan trọng như xây dựng và chăm sóc y tế, điều dưỡng.

Shogo Iwata, người đứng đầu Hiệp hội các nhà thầu gia cố Nhật Bản, cho biết: “Công việc tại các công trường xây dựng sẽ dừng lại trừ khi tiền lương được cải thiện.”

Lao động nước ngoài đã chiếm 20% trong số các công nhân đảm nhiệm công việc bê tông cốt thép.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ước tính rằng sẽ cần thêm 5 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040 để Nhật Bản đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chính phủ.

Số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 32,1% so với một năm trước đó lên 4.042 doanh nghiệp, mức cao nhất trong vòng 5 năm.

Trong số các nguyên nhân hàng đầu gây phá sản, đồng yen mất giá khiến chi phí vật liệu và lao động tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Tokyo Shoko Research, công ty đánh giá thị trường của Nhật Bản, ngành xây dựng với 785 vụ phá sản, tăng 36,3% do chịu ảnh hưởng của chi phí vật liệu tăng cao.

Tokyo Shoko Research cảnh báo số công ty phá sản có thể tăng hơn nữa, đặc biệt là ở những công ty chậm phục hồi sau đại dịch.

Sự lựa chọn khó khăn

Đồng yen giảm giá và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập của lao động Việt Nam.

Nhật Bản luôn là quốc gia có chi phí sinh hoạt cao, cùng với việc đồng yen giảm giá đã khiến người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc duy trì lối sống như trước.

leftcenterrightdel
 Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. (Nguồn: asia nikkei)

Anh Ngọc, một kỹ sư xây dựng, cho biết thu nhập của anh bị giảm đáng kể. Giá cả các mặt hàng cho sinh hoạt hàng ngày và tiện ích đã tăng vọt, khiến anh Ngọc gặp khó khăn về cân đối chi tiêu trong ngân sách của mình.

Anh phải giảm bớt ngân sách dành cho ăn uống hàng ngày, chỉ ăn rau, trứng và mỳ gói. Số tiền tiết kiệm hàng tháng của anh Ngọc ngày càng thu hẹp. Anh lo lắng khi thấy ngày càng khó trả nợ cho món tiền mà bố mẹ đã vay mượn ở quê nhà.

Anh Tiến, một lao động Việt Nam khác, đã trở về Việt Nam sau 4 năm làm việc ở Nagoya. Lý do mà anh nêu ra là đồng yen mất giá và công ty cũ của anh phá sản. Anh gặp khó khăn với công việc bán thời gian tại một tiệm bánh và cảm thấy bị cô lập vì là lao động Việt Nam duy nhất tại nơi đó.

Nhiều lao động Việt Nam phàn nàn việc đồng yen mất giá khiến họ rơi vào thế khó, vì tiền gửi về nhà bị giảm đi so với trước. Họ cũng không thể tích lũy để chờ đồng yen tăng giá vì xu hướng đồng yen giảm giá chưa biết khi nào dừng lại trong khi nhu cầu của gia đình, nhu cầu trả nợ tại Việt Nam vẫn hiện hữu hàng ngày.

Rõ ràng đồng yen giảm giá đã khiến Nhật Bản trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn đối với lao động Việt Nam vì điều này ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền và sức hấp dẫn chung của lựa chọn làm việc tại Nhật Bản.

Một số lao động Việt Nam nói đùa với nhau rằng nếu đồng yen giảm xuống dưới mức thấp khoảng 150 VND đổi 1 yen thì họ rời Nhật Bản về nhà.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện phiếm vì họ biết rằng việc trở về Việt Nam không phải là đơn giản do nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là liệu họ có dễ dàng tìm được một công việc có mức lương tương đương tại Việt Nam để trang trải cuộc sống hoặc thanh toán nốt số nợ mà họ đã vay trước khi sang Nhật Bản.

Lan và Trang, hai nữ thực tập sinh hộ lý vừa đỗ chứng chỉ nghề tại Nhật Bản hồi tháng Hai cho biết họ đã nỗ lực lấy chứng chỉ để được làm việc lâu dài tại Nhật Bản với tư cách lao động mới.

Hai người chia sẻ họ đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía công ty Nhật Bản trong quá trình làm việc cũng như học tập.

Vì vậy họ tin rằng với nỗ lực của chính phủ cũng như doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thu hút lao động nước ngoài, quốc gia này sẽ nhanh chóng trở lại vị trí là một trong những thị trường lao động hấp dẫn tại châu Á./. 

Theo vietnamplus