Châu Âu từng là tâm dịch của thế giới vào tháng 3 và tháng 4, với số ca nhiễm tăng vọt khắp các nước và nhiều nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao. 5 quốc gia lớn của châu lục gồm Italy, Tây Ban Nha, Anh, Đức và Pháp đã báo cáo gần 1,2 triệu ca nhiễm nCoV và 148.000 người chết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tới tháng 5, chính phủ các nước châu Âu bắt đầu nới dần loạt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sau khi Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân giờ đây tràn ngập trong các quán bar, nhà hàng và bãi biển đông đúc.
Dù đôi khi xuất hiện những cụm dịch nhỏ, hoặc một đợt bùng phát đáng lo ngại phía đông bắc Tây Ban Nha, hay tình trạng gia tăng số ca nhiễm tại các nước vùng Balkan, tình hình Covid-19 ở châu Âu sau tái mở cửa dường như đã được kiểm soát. Số ca nhiễm nCoV mới tại Italy, Đức hay Pháp vẫn tiếp tục giảm, ở mức vài trăm ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với con số vài nghìn vào lúc đỉnh điểm của khủng hoảng.
Do đó, trong khi nước Mỹ chứng kiến làn sóng tái bùng phát Covid-19 với số ca nhiễm mới tăng kỷ lục ở nhiều bang hối hả tái mở cửa, buộc chính quyền phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, quá trình mở cửa của châu Âu hầu như theo đúng kế hoạch.
Khán giả tới xem buổi biểu diễn ở Nhà hát Quốc gia Hy Lạp tại thủ đô Athens hôm 18/7. Ảnh: Reuters.
Giới chuyên gia đánh giá lý do phần lớn nằm ở sự thay đổi rõ rệt trong hành vi xã hội khắp châu Âu, sau những nỗ lực của giới chức nhằm thuyết phục công chúng tuân thủ ba chỉ dẫn phòng chống dịch bệnh, gồm giữ khoảng cách khi có thể, tăng cường vệ sinh và đeo khẩu trang khi cần thiết. Những người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19, cần đề phòng đặc biệt.
"Chúng tôi đã ngăn chặn được làn sóng đại dịch đầu tiên bởi nhiều người dân đang thay đổi thái độ", giáo sư Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, phát biểu trong một cuộc họp báo tuần trước.
"Người dân châu Âu hiểu họ cần làm gì và thực hiện rất nghiêm túc", Ilaria Capua, nhà virus học người Italy tại Đại học Florida, Mỹ, nhận xét. "Các quốc gia khác nhau xử lý khủng hoảng theo cách khác nhau, nhưng không có ai ở châu Âu đánh giá thấp dịch bệnh".
Theo giới chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác giúp các nước châu Âu giảm đáng kể số ca nhiễm nCoV là tiếp tục cấm các sự kiện bị gọi là "siêu lây nhiễm", chỉ những cuộc tập trung quy mô lớn như trận đấu bóng đá, buổi hòa nhạc, bởi chúng bị coi là những "lò ấp" virus.
Ngay cả Thụy Điển, quốc gia chưa từng áp lệnh phong tỏa và hứng chịu tỷ lệ tử vong cao, số ca nhiễm mới cũng dần ổn định khi người dân tuân thủ các quy tắc giữ khoảng cách, cùng lệnh cấm tổ chức những sự kiện quy mô lớn từ chính phủ.
Thủ tướng Bulgaria Boyco Borrisov (phải) giơ tay chào Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị ở Brussels, Bỉ hôm 17/7. Ảnh: AP.
Số ca nhiễm mới thấp tạo điều kiện cho châu Âu giải phóng không gian trong các bệnh viện, đồng thời giúp giới chức y tế cộng đồng có thể tập trung vào xét nghiệm và kịp thời cách ly những người mang mầm bệnh, cũng như truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc gần với họ.
Đức, quốc gia giờ đây có thể tiến hành tới hơn 1,1 triệu xét nghiệm mỗi tuần, đã đào tạo hàng trăm người, bao gồm nhiều sinh viên y khoa, để truy vết tiếp xúc trên cả nước. Một ứng dụng truy vết trên điện thoại được triển khai hơn một tháng trước đã đạt gần 16 triệu lượt tải.
Tại Italy, công tác truy vết tiếp xúc và xét nghiệm rộng rãi giúp xác định và cách ly số lượng lớn người nhiễm không triệu chứng. Trên thực tế, phần lớn người dương tính nCoV trong những tuần gần đây ở Italy được xác định không phải bởi họ xuất hiện triệu chứng, mà do được xét nghiệm sau khi tiếp xúc gần với ca nhiễm, hoặc thông qua xét nghiệm kháng thể.
Tình hình hiện nay tại châu Âu tương phản rõ rệt so với giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng. Khi đó, lãnh đạo nhiều nước vẫn coi nhẹ Covid-19, phần lớn người dân không đeo khẩu trang hoặc thực hiện cách biệt cộng đồng, việc cấm các trận đấu bóng đá hoặc sự kiện lớn khác dường như là không tưởng.
Italy, một trong những vùng dịch chết chóc nhất thế giới, từng trải qua tình trạng virus âm thầm lây lan suốt nhiều tuần. Tại miền bắc đất nước, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, các phòng điều trị tích cực trong bệnh viện đều hết giường. Khả năng xét nghiệm hạn chế và truy vết tiếp xúc không hiệu quả. Tình huống tương tự đang diễn ra tại nhiều bang ở Mỹ, như Arizona, Florida và Texas.
Người dân đi bộ ven hồ sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ tại Bergamo, Italy, hôm 25/5. Ảnh: Reuters.
"Ở Mỹ, mọi người cho rằng phải sống chung với virus và không thể làm gì khác. Điều đó không đúng. Châu Âu đã chứng minh rằng bạn có thể xoay chuyển tình thế", Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nêu ý kiến.
"Khác biệt cơ bản giữa châu Âu và Mỹ là người châu Âu xử lý đại dịch một cách nghiêm túc, trong khi Mỹ phần lớn không như vậy", Ashish Jha, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Harvard, nhận định. "Mỹ không xây dựng các chương trình xét nghiệm và truy vết, thậm chí không thể hạ số ca nhiễm tại nhiều khu vực của đất nước. Chúng tôi đã làm mọi thứ một cách nửa vời".
Dù đạt thành công nhất định, giới chức châu Âu vẫn cảnh báo không tự mãn. Tại Tây Ban Nha, chính quyền địa phương ở vùng đông bắc đã tái áp dụng một số biện pháp hạn chế sau khi một cụm dịch khiến số ca nhiễm mới của đất nước tăng nhiều nhất kể từ tháng 5.
Một dấu hiệu khác cho thấy các chính phủ châu Âu vẫn đề phòng đại dịch là việc đeo khẩu trang dần trở thành bắt buộc. Tại Pháp và Anh, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín từ tuần sau. Đức, Italy và phần lớn Tây Ban Nha đã áp lệnh này. Bỉ cũng đang cân nhắc khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi khép kín sau khi số ca nhiễm nCoV tại nước này gần đây tăng.
Trong khi người Mỹ vẫn tranh cãi nảy lửa về khẩu trang, người châu Âu đã ủng hộ rộng rãi biện pháp phòng dịch đơn giản này. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu và tư vấn BVA, 85% người Pháp tán thành các quy định mới. Trong khi đó, vấn đề đeo khẩu trang tại Mỹ thậm chí châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý và chính trị. Thống đốc bang Georgia Brian Kemp tuần trước đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn các biện pháp hạn chế nCoV, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, do Thị trưởng Atlanta đề xuất.
Một số bang Mỹ đã cấm tụ tập đông người, nhưng phần còn lại thì không. Tại bang Oklahoma, Tổng thống Donald Trump gần đây tổ chức một buổi vận động tranh cử với vài nghìn người tham gia, nhưng rất ít người đeo khẩu trang. Thống đốc Oklahoma Kevin Stitt hôm 15/7 thông báo dương tính nCoV, trở thành lãnh đạo bang Mỹ đầu tiên nhiễm virus.
"Những đám đông lớn, đặc biệt là trong nhà, vô cùng nguy hiểm. Khi nhìn vào châu Âu, tôi nhận thấy có rất nhiều cách để kiềm chế đại dịch. Không có phương thức xử lý kỳ diệu nào, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng thái độ nghiêm túc và không tranh luận về những thứ tào lao", chuyên gia Jha tại Viện Y tế Toàn cầu Harvard nói.
Theo vnexpress