Từ ngày 1/1/2021, Trung Quốc đã bổ sung thời gian "hạ nhiệt ly hôn" trong trình tự giải quyết ly hôn.
Theo đó, trong thời hạn 30 ngày sau khi nộp đơn lên tòa, hai bên có thể rút đơn bất cứ lúc nào hoặc đến hạn mà hai bên không yêu cầu cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận ly hôn thì đương nhiên được xem là đã rút đơn xin ly hôn.
Tỷ lệ ly hôn giảm mạnh
Sau một năm áp dụng, ảnh hưởng của mô hình "hạ nhiệt ly hôn" đã để lại những ảnh hưởng đáng kể.
Theo thống kê của Bộ dân sự trong 10 năm qua, số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc về cơ bản giảm xuống và số vụ ly hôn tăng lên. Tuy nhiên, kể từ khi chính sách này được áp dụng, số những vụ ly hôn đã giảm xuống.
Theo thống kê mới nhất, trong năm 2021, Trung Quốc có tổng 2,139 triệu cặp vợ chồng đã đăng ký ly hôn, giảm khoảng 43% so với năm 2020. Dữ liệu từ nhiều địa phương cũng cho thấy xu hướng tương tự: từ tháng 1 đến tháng 11/2021, số lượng đăng ký ly hôn ở Tế Nam, Sơn Đông giảm 31,75% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, ở Trùng Khánh số cặp vợ chồng đệ đơn ly hôn giảm 44% so với năm 2020…
Mục đích của mô hình "hạ nhiệt ly hôn" không phải là làm gia tăng mức độ phức tạp khi ly hôn, mà là để đạt được tỷ lệ ly hôn "lý tưởng" hơn, ngăn chặn các cặp vợ chồng vội vã quyết định ly dị.
Nảy sinh những vấn đề mới
Sự thay đổi này liệu có phải là một tín hiệu tích cực? Chính sách giúp các cặp đôi bình tĩnh và giải quyết xung đột cùng nhau tất nhiên là một mục đích tốt.
Tuy nhiên, một số người dân lo lắng về việc bạo lực gia đình sẽ diễn ra trầm trọng hơn hoặc việc chuyển nhượng tài sản phải lập di chúc sẽ càng thêm khó khăn trong khoảng thời gian này.
Trên thực tế, khoảng thời gian "hạ nhiệt" này không bắt buộc đối với các đơn ly hôn đơn phương. Đặc biệt khi vợ/chồng có hành vi xấu như bạo lực gia đình, ngược đãi, người làm đơn có thể trực tiếp đệ đơn kiện ly hôn và yêu cầu tòa án xử lý.
Tuy nhiên, xét thấy chi phí và thời gian cho ly hôn đơn phương (khởi kiện đề nghị ly hôn) cao hơn nhiều so với ly hôn có sự đồng thuận từ hai phía. Nhiều tòa án còn có quy định không xét xử đơn xin ly hôn lần đầu nên ly hôn thuận tình đã trở thành sự lựa chọn hợp lý của nhiều người.
Thế nhưng, từ khi chính sách "hạ nhiệt ly hôn" được áp dụng khiến thời gian bị kéo dài, nhiều người đã chuyển từ ly hôn theo thỏa thuận sang ly hôn qua con đường kiện tụng.
Một số phương tiện truyền thông cho biết: Từ năm ngoái, số vụ kiện ly hôn ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Tứ Xuyên và những nơi khác đã tăng vọt. Nhìn chung, chính sách mới đã khiến việc ly hôn của các cặp vợ chồng càng thêm khó khăn.
Một vấn đề khác nảy sinh là vấn đề tài sản vợ chồng. Điều gì sẽ xảy ra nếu vợ hoặc chồng chuyển nhượng tài sản trong "thời gian tĩnh lại" trước ly hôn hoặc cố ý tạo ra các khoản nợ chung?
Theo thống kê, kể từ khi chính sách "hạ nhiệt ly hôn" được đưa vào thực thi, nhu cầu được tư vấn và lập di chúc của nữ giới ngày càng gia tăng. Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc cho biết, "thời gian tĩnh lại" này khiến quá trình ly hôn lâu và phức tạp hơn.
Nhiều người cho rằng khi thời gian bị kéo dài, tài sản của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu có chuyện không hay xảy ra. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc người dân ở quốc gia này đang ngày một quan tâm đến việc soạn thảo di chúc.
Hôn nhân không phải là một vấn đề đơn giản. Bỏ qua những nội dung trừu tượng và khó đánh giá như tình yêu và trách nhiệm, hiện nay, gia đình vẫn là đơn vị hạt nhân của xã hội.
Tình trạng hôn nhân và gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái, phân chia tài sản và thậm chí là sự hài hòa, ổn định kinh tế, xã hội. Việc áp dụng "thời gian tĩnh lại" trước khi ly hôn có thể không giải quyết được triệt để mâu thuẫn vợ chồng nhưng sự ra đời của mô hình này cho thấy, dù là kết hôn hay ly hôn thì cũng không phải vấn đề đơn giản.
Theo Zing