Vụ ly hôn hy hữu

Trong những tháng cuối đời, ngôi sao Hollywood Shannen Doherty vẫn đang đấu tranh tại tòa với chồng là Kurt Iswarienko. Shannen đã đệ đơn ly hôn Iswarienko từ tháng 4/2023, thủ tục ly hôn của họ kéo dài trong nhiều tháng vì không có tiếng nói chung. Dù vậy, chỉ vài giờ trước khi cô qua đời vào ngày 13/7 vì căn bệnh ung thư vú, ngôi sao người Mỹ đã hoàn thành thủ tục giấy tờ để đảm bảo rằng cô sẽ độc thân về mặt pháp lý sau khi chết. Cùng với việc ký đơn từ bỏ quyền trợ cấp của vợ/chồng, Shannen đồng ý “chấm dứt mặc định hoặc không tranh chấp” về cuộc hôn nhân của họ. Iswarienko cũng đã ký các giấy tờ tương tự vào ngày 13/7.

leftcenterrightdel
 Nữ diễn viên Shannen Doherty (phải) chính thức ly hôn chồng Kurt Iswarienko (trái) sau khi cô qua đời 2 ngày, vào tháng 7/2024 - Ảnh: Vivien Killilea (WireImage)

Tuy nhiên, vì Shannen qua đời trước khi thẩm phán có thể ký vào bản án chấm dứt hôn nhân, về mặt kỹ thuật, vụ ly hôn không được coi là chính thức vào thời điểm cô qua đời. Luật sư bất động sản David Esquibias tại bang California (Mỹ) cho biết: “Điều này có nghĩa là cô ấy vẫn đang kết hôn vào thời điểm qua đời, nhưng vì Iswarienko đã ký vào văn bản từ bỏ quyền trợ cấp, anh ấy không thể yêu cầu bất kỳ khoản hỗ trợ hoặc trợ cấp gia đình nào”.

Ashley Silberfeld - một luật sư khác ở California - lưu ý rằng, rất hiếm khi tòa án tiếp tục thủ tục pháp lý sau khi 1 bên yêu cầu ly hôn đã chết. Cô giải thích: “Về mặt pháp lý, cuộc hôn nhân đã kết thúc khi 1 trong 2 người không còn. Vì vậy, tòa án không có khả năng hoặc thẩm quyền để làm bất cứ điều gì khác. Nhưng trong trường hợp của Shannen, họ đã nộp đầy đủ hồ sơ và lý do duy nhất khiến cuộc hôn nhân còn tồn tại là vì tòa án chưa kịp xử lý”.

Xu hướng gia tăng tại Nhật Bản

Trong nhiều thế kỷ, cái chết và việc mai táng tại Nhật Bản thường tuân theo lễ nghi truyền thống. Theo đó, người vợ sẽ được an táng tại khu nghĩa trang của gia đình chồng. Nhưng trong vài thập niên qua, sự bất hòa giữa cha mẹ vợ/chồng đối với con rể/con dâu của họ trở nên phổ biến đến mức chính phủ phải đưa ra một quy trình giúp một người cắt đứt quan hệ với gia đình của “nửa kia” đã khuất.

Quy trình thường được gọi là “ly hôn sau khi chết (shigo rikon)” hoặc “thông báo chấm dứt quan hệ hôn nhân”. Thông qua quy trình, một người có thể tuyên bố cắt đứt quan hệ với gia đình của “nửa kia” đã khuất, không còn nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng… nữa. Đáng chú ý, việc áp dụng shigo rikon sau khi chết không ảnh hưởng đến mối quan hệ pháp lý giữa vợ chồng.

Trong trường hợp của một góa phụ, cô ấy vẫn có thể giữ họ của chồng và đủ điều kiện để được hưởng tất cả quyền thừa kế, lương hưu và các hợp đồng bảo hiểm khác. Người vợ thậm chí vẫn có thể yêu cầu đặt hài cốt của mình trong phần mộ gia đình của chồng. Việc ly hôn sau khi “nửa kia” qua đời có thể được thực hiện một cách đơn phương và gia đình 2 bên sẽ không nhận được thông báo nào từ chính phủ. Chỉ có vợ/chồng của người đã khuất mới có thể nộp đơn xin ly hôn như vậy. Gia đình của người quá cố không thể cắt đứt quan hệ với con dâu/con rể theo cách này.

Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, số vụ ly hôn sau khi vợ hoặc chồng qua đời trung bình đạt khoảng 4.000 vụ mỗi năm trong thập niên qua, tăng so với mức trung bình dưới 2.000 vụ vào cuối những năm 1990. Nhiều trường hợp ly hôn được sử dụng như công cụ giải quyết tranh chấp thừa kế hoặc các vấn đề khác theo yêu cầu từ di chúc của người đã khuất.

Một phụ nữ 53 tuổi ở Tokyo mô tả quá trình cắt đứt quan hệ hôn nhân với gia đình chồng là “cảm giác giải thoát to lớn”. Cô kể, cuộc sống hôn nhân của mình liên tục bị làm phiền bởi những lời chỉ trích từ mẹ chồng. Tuy vậy, cô bị ràng buộc bởi ý thức về nghĩa vụ truyền thống và vì lợi ích của chồng.

Sau khi chồng qua đời, hành vi ngược đãi của mẹ chồng vẫn tiếp tục cho đến khi cô không thể chịu đựng được nữa và quyết định đệ đơn “ly hôn” nhằm tránh xa bà ấy. Cũng cần lưu ý rằng, sau khi ly hôn, gia đình của “nửa kia” đã khuất vẫn có thể tác động đến người ở lại. Điều này đặc biệt đúng trong những trường hợp cặp đôi có con, vì mối quan hệ pháp lý của bọn trẻ với ông bà vẫn còn nguyên vẹn.

Vì vậy, việc ly hôn sau khi chết có thể chỉ giúp gửi một thông điệp cứng rắn từ người ở lại đến với người thân của “nửa kia” đã khuất khi họ không thể chịu đựng được nữa.

Theo phụ nữ TPHCM