Chương trình tiêm vaccine Covid-19 đang được triển khai rộng rãi tại nhiều tỉnh thành. Sau khi tiêm, mỗi người sẽ được cấp một tờ giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 một hoặc hai mũi.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang triển khai ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Bên trong ứng dụng này, người dùng sẽ tìm thấy mã QR xác thực đã tiêm vaccine của mình, cùng với nhiều thông tin cần thiết về tiêm chủng.
Cung cấp thông tin toàn diện về tiêm chủng
App Sổ sức khỏe điện tử do Bộ Thông tin & Truyền thông kết hợp với Bộ Y tế chỉ đạo, giao Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) phát triển. Ứng dụng này có trên cả hai nền tảng Android và iOS. Trước mắt, app sẽ được sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng tại TP.HCM.
Theo quy trình tiêm chủng hiện nay, người dân thuộc diện được tiêm chủng phải khai báo y tế, điền thông tin, ký tên vào phiếu đồng ý tiêm chủng, sau đó được nhân viên y tế sàng lọc và ký xác nhận đủ điều kiện tiêm hay không. Sau khi tiêm, người dân phải báo cáo về các triệu chứng để ngành y thống kê.
Sau khi đã tiêm vaccine Covid-19, người dân sẽ được phát giấy chứng nhận. Mã QR trong app Sổ sức khỏe điện tử cũng có nội dung tương ứng. Ảnh: M.Sơn.
Với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, phần lớn quá trình này có thể thực hiện trên app để tiết kiệm thời gian, nhất là khi khai báo thông tin tại địa điểm tiêm chủng. Khi được số hóa, bác sĩ chỉ cần dùng thiết bị quét mã QR để lấy thông tin của người dân, không cần điền tay nữa. Ngoài ra, khi đã tiêm vaccine thì ứng dụng sẽ hiển thị một mã QR chứng nhận.
Chia sẻ với Zing, ông Lưu Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế của Viettel Solutions cho biết thông tin ở trong mã QR của ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử tương đương với tờ giấy chứng nhận được cấp sau khi tiêm. Dữ liệu này sẽ được lưu trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, do Bộ Y tế quản lý.
Đại diện của Viettel Solutions cũng cho biết đơn vị này ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo an toàn thông tin và tính duy nhất của mã QR.
"Mã cũng dùng để phân biệt giữa các lần tiêm, trong đó lần tiêm thứ nhất là vòng màu vàng xung quanh mã QR, và lần thứ hai là vòng màu xanh", ông Thế Anh chia sẻ.
Mã chứng nhận không đồng nghĩa với hộ chiếu vaccine
Theo đánh giá của ông Thế Anh, về mặt công nghệ thì đơn vị phát triển có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, khi triển khai hệ thống thông tin tiêm chủng, sẽ có một số yếu tố khó khăn cần phải tính đến.
Do hệ thống được triển khai ngay khi Việt Nam tiêm chủng diện rộng nên đơn vị phát triển vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các tính năng, đồng thời tính đến việc điều chỉnh công suất hệ thống để đáp ứng được nhu cầu cho các đợt tiêm số lượng lớn như tại TP.HCM hay ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng cần tích hợp được với kho dữ liệu sức khỏe điện tử có sẵn của Bộ Y tế.
App Sổ sức khỏe điện tử cung cấp nhiều thông tin, tính năng để theo dõi quá trình tiêm chủng, báo cáo triệu chứng sau khi tiêm. Ảnh: M.Sơn.
Ngoài ra, khi việc tiêm chủng mở rộng tới những trạm y tế địa phương thì việc đào tạo cho nhân viên y tế để vừa tiêm, vừa cập nhật dữ liệu lên hệ thống cũng là cần thiết. Đây sẽ là thách thức lớn với các cơ sở có ít nhân viên y tế. Ông Thế Anh cho biết Viettel Solutions sẽ xây dựng cả công cụ đào tạo dành cho hệ thống y tế để có thể giải quyết thách thức này.
Bên cạnh đó, đại diện Viettel Solutions cho rằng cần phân biệt giữa giấy hoặc mã chứng nhận đã tiêm vaccine và hộ chiếu vaccine. Mã chứng nhận tiêm vaccine được sử dụng cho các hệ thống trong nước, còn hộ chiếu vaccine cần được các quốc gia khác chấp nhận, và mỗi nước còn có thể có những quy định khác nhau về loại vaccine, thời gian tiêm chủng.
Theo đại diện của Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 thuộc Cục Tin học hóa, chứng nhận tiêm chủng điện tử có vai trò rất quan trọng khi lượng người tiêm vaccine ngày càng nhiều. Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đang cùng các doanh nghiệp xây dựng hệ thống chứng thư số vaccine, có thể kết nối với các nước trên thế giới.
Theo Zing