|
|
Thất lạc đồ đạc luôn là một trường hợp "đau đầu" không hề mong muốn của du khách - Ảnh: Richard A. Brooks/AFP |
Là du khách chân ướt chân ráo đến một nơi xa, và không may bạn bỏ quên ô, chìa khóa, hay thậm chí lạc mất thú cưng yêu quý của mình – thì đó là những trải nghiệm thật sự tồi tệ. Thế nhưng ở Tokyo, nơi có dân số hơn 14 triệu người, hầu như mọi trường hợp thất lạc đều được lực lượng cảnh sát quan tâm và xử lý đến nơi đến chốn.
“Du khách nước ngoài thường tỏ ra ngạc nhiên khi lấy lại được đồ đạc của mình nhờ sự tận tâm của cơ quan chức năng” – ông Hiroshi Fujii, hướng dẫn viên du lịch có thâm niên tại Tokyo cho biết.
Theo ông Fujii, hành động “nhặt được của rơi trả người đánh mất” được xem là một nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ sở mặt trời mọc khi mà “ngay trong mỗi gia đình ở Nhật Bản, điều này đã trở thành giá trị truyền thống được truyền từ ông bà, cha mẹ cho đến con cái”.
Ông Harumi Shoji – Giám đốc Trung tâm Thất lạc và tìm thấy (tiếng Anh: Lost and Found Center) trực thuộc Sở cảnh sát Tokyo, khoảng 80 nhân viên tại trung tâm ở quận Iidabashi "luôn đảm bảo những đồ vật bị thất lạc được giám sát một cách hiệu quả thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu do trung tâm quản lý”.
Ông Shoji tiết lộ, thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, tai nghe không dây và quạt cầm tay gắn pin là những đồ vật thường bị mọi người “bỏ quên” nhiều nhất tại các khu vực công cộng như sân bay, ga tàu,...
|
Trung tâm xử lý đồ thất lạc ở Tokyo xử lý thành công hàng ngàn trường hợp mỗi năm - Ảnh: Richard A. Brooks/AFP |
Bên cạnh đó, thú cưng như chó, mèo và thậm chí cả sóc bay và cự đà (một loài thằn lằn sống ở các khu vực nhiệt đới Trung, Nam Mỹ và khu vực Caribbe) đã được các sĩ quan cảnh sát Tokyo tiếp nhận và chăm sóc
Trong năm 2023, đã có hơn 4 triệu vật phẩm được bàn giao cho cơ quan cảnh sát thủ đô Tokyo, trong đó, khoảng 70% là các đồ vật có giá trị như ví, điện thoại và tài liệu quan trọng đã được bàn giao thành công cho chủ sở hữu.
Trong vòng 3 tháng, nếu đồ đạc thất lạc không được ai yêu cầu tìm kiếm, chúng sẽ được bán đấu giá hoặc mang đi tiêu hủy.
Ông Shoji cho biết, số lượng đồ thất lạc do trung tâm này xử lý đang tăng lên “một cách đáng báo động” kể từ khi Nhật Bản mở rộng cửa chào đón du khách quốc tế sau một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
|
Ô dù là một trong những vật dụng bị bỏ quên nhiều nhất tại các địa điểm công cộng ở Tokyo - Ảnh: AFP |
Theo phụ nữ TPHCM