leftcenterrightdel
 He Ranran lắp camera trong nhà để theo dõi người bà lớn tuổi phải sống một mình.

Ở tuổi 85, bà Wang Tianzhen, sống ở vùng nông thôn phía tây nam thành phố Trùng Khánh, chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại di động. Nhưng bây giờ, bà có thể liên lạc thường xuyên với cháu gái sống cách xa 300 km bằng một thiết bị thông minh.

Cháu gái của bà Wang, He Ranran, đã cài đặt một camera thông minh vào đầu năm nay sau khi bà cô 2 lần bị nhồi máu não. He nói rằng điều đó giúp cô để mắt được tới người bà ốm yếu và hỗ trợ dù ở xa nhau.

"Chúng tôi muốn ở cạnh bà, nhưng phải đi xa để làm việc kiếm sống. Lắp camera thông minh là cách để vừa có cuộc sống riêng, vừa có thể hiếu thảo với bà", He nói với Sixth Tone.

Thiết bị theo dõi người thân

Gia đình He là một trong số những người sử dụng camera an ninh thông minh, có khả năng kết nối màn hình và gọi video, để theo dõi các thành viên lớn tuổi sống một mình ở nhà, hầu hết là tại vùng nông thôn.

Năm 2022, hơn 48 triệu camera an ninh dùng tại nhà đã được bán ra ở Trung Quốc. Xinhua News đưa tin rằng lượng lớn người trẻ mua chúng để quan sát người thân lớn tuổi.

Sun Yuda, chủ công ty bán camera an ninh và các thiết bị thông minh chăm sóc người cao tuổi khác có trụ sở tại Thâm Quyến từ năm 2019, nói với Sixth Tone rằng đại dịch đã làm tăng nhu cầu về những thiết bị này. 

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khiến nhiều người không thể di chuyển suốt thời gian dài, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao đã gia tăng lo lắng của mọi người.

"Nhiều người nhận thức được rằng họ không thể luôn ở gần cha mẹ, nhưng mong muốn chăm sóc người thân tốt hơn", Sun nói, đồng thời cho biết nhận thức về thiết bị thông minh có thể theo dõi sức khỏe người cao tuổi đang ở "mức độ thật sự cao".

Trung Quốc có hơn 280 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 19,8% tổng dân số cả nước. Tháng 10/2022, một quan chức chính phủ hàng đầu cho biết hơn một nửa dân số lớn tuổi của đất nước sống một mình và tỷ lệ "tổ ấm trống rỗng" như vậy là hơn 70% ở một số thành phố lớn và khu vực nông thôn.

Với những người sống xa quê, rủi ro liên quan đến an toàn sức khỏe của các thành viên lớn tuổi trong nhà là nỗi lo lớn.

Theo nhiều báo cáo phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu chính thức, khoảng 1/3 người từ 65 tuổi trở lên dính thương tích và tử vong do bị ngã, hơn 30% dễ bị trầm cảm do thiếu kết nối và cam kết xã hội.

Những lo ngại đó đã khiến Chen (22 tuổi, sinh viên đại học) lắp camera anh ninh trong nhà của người bà 78 tuổi. Cô đưa ra quyết định sau khi bà gặp các biến chứng về sức khỏe liên quan đến Covid-19.

"Có lần, bà bị ngã và không thể di chuyển hay với tay lấy điện thoại để gọi người giúp đỡ. Nếu chuyện này xảy ra thêm lần nữa, bà có thể chết mà chẳng ai biết", Chen, sống ở Vũ Hán, nói.

Câu chuyện về lắp camera giám sát để chăm sóc người thân lớn tuổi đã thu hút sự chú ý của công chúng vào tháng 1, sau đoạn video cảnh tương tác giữa cô gái đi làm xa với người thân ở nhà lan truyền trên mạng.

Trên Xiaohongshu, nền tảng tương tự Instagram, nhiều người để lại đánh giá tích cực và giới thiệu về các thiết bị công nghệ khác giúp chăm sóc người lớn tuổi.

Zhang Bing, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Công nghệ Jingchu ở tỉnh Hồ Bắc, nói rằng việc lắp đặt camera an ninh đã giúp duy trì kết nối giữa các thành viên gia đình bất chấp khoảng cách, thậm chí bắt đầu định hình lại các mối quan hệ.

Trong cuộc khảo sát về vùng nông thôn ở Hồ Bắc vào năm 2022, Zhang nhận thấy gần 40% người cao tuổi được hỏi đã lắp đặt camera an ninh trong nhà, với gần 80% trong số đó đã lắp đặt trong 3 năm qua.

"Điều đó phản ánh về một thế hệ thanh niên lo lắng tới việc hỗ trợ người thân lớn tuổi và thỏa hiệp trong cách thực hiện chuyện đó", Zhang nói.

Nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư

Nhưng không phải ai cũng tán thành ý tưởng này.

Sun, doanh nhân bán camera an ninh, nói rằng nhiều người lớn tuổi phản đối việc lắp đặt các thiết bị giám sát do lo ngại về quyền riêng tư và không thích bị camera theo dõi. Nhiều người phản đối việc đặt camera trong phòng ngủ và phòng tắm của họ hoặc sẽ bí mật tắt thiết bị.

leftcenterrightdel
Camera có thể khiến người lớn tuổi cảm thấy khó chịu vì cảm giác bị giám sát, mất quyền riêng tư.  

Bản thân Sun không lắp camera ở nhà bố mẹ mình vì anh không hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ này. Anh nói rằng thích loại công nghệ có thể gửi cảnh báo chính xác trong trường hợp khẩn cấp thay vì chỉ dựa vào camera.

"Công nghệ chỉ phát hiện ra vấn đề, còn con người mới có khả năng giải quyết", Sun nói, đồng thời cho biết một giải pháp công nghệ để giải quyết các trường hợp khẩn cấp vẫn cần có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, ban quản lý khu nhà ở và dịch vụ khẩn cấp.

Theo các phương tiện truyền thông, sự phổ biến của các thiết bị giám sát trong nhà cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và thông tin cá nhân, vì tin tặc có thể lấy cắp và sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Vào năm 2021, một tòa án tại Bắc Kinh đã kết án 5 năm tù một người đàn ông Trung Quốc vì cáo buộc xâm nhập vào 180.000 camera an ninh trên toàn cầu và kiếm được hơn 700.000 nhân dân tệ (102.000 USD) sau khi cấp quyền truy cập cho những người dùng khác.

Trong cuộc khảo sát kéo dài 4 tháng của mình, Zhang nhận thấy hầu hết hộ gia đình ở nông thôn chỉ cho phép đặt camera trong sân hoặc một nơi nào đó bên ngoài ngôi nhà, đó là điểm khác biệt lớn so với các hộ gia đình ở thành phố.

Vị giáo sư sống cách xa cha mẹ 5 giờ lái xe, cũng đã lắp một camera bên ngoài căn hộ của họ vào năm 2021. Nhưng giờ đây, cha mẹ ông đã né tránh camera sau một lần con trai can thiệp vào cuộc tranh cãi của họ.

"Mọi người thường không suy nghĩ về vấn đề đó lúc bắt đầu định lắp camera, nhưng câu chuyện tương tự thường xảy ra khi người bị theo dõi nhận thực được rằng camera đang ở đó", Zhang lý giải.

Theo zingnews