Theo Yonhap, nhiều người dân Hàn Quốc đang yêu cầu chính phủ nước này nhanh chóng ban hành các hình phạt nghiêm khắc hơn chống lại tội phạm rình rập, bảo vệ nạn nhân cũng như kêu gọi phụ nữ nâng cao cảnh giác sau hàng loạt vụ việc liên quan.

Gần nhất, đầu tháng 4, người dân Hàn Quốc dậy sóng trước tin tức về Kim Tae-hyun (24 tuổi) giết một phụ nữ bằng tuổi, mẹ và em gái của cô sau khi bị cô cắt đứt liên lạc và thay đổi số điện thoại.

Kim quen biết nạn nhân qua một trang web trò chơi trực tuyến và quấy rối cô trong nhiều tháng. Khi bị cô chặn liên lạc, Kim đã cẩn thận chuẩn bị cho vụ giết người. Anh ta đóng giả làm người giao hàng để vào nhà rồi lần lượt đâm chết 3 người, sau đó cố gắng tự sát nhưng được cảnh sát bắt giữ kịp thời.

Ngày 27/4, phía công tố đã truy tố Kim với các tội danh giết người, đột nhập nhà trái phép, quấy rối, trộm cắp và vi phạm luật thông tin mạng và truyền thông.

phu nu Han bi rinh rap anh 1

Kim Tae-hyun rình rập, giết cả nhà bạn quen qua mạng vì bị cô cắt đứt liên lạc.

"Mặc dù tội ác dạng này có tính chất nham hiểm, xã hội Hàn Quốc vẫn chưa công nhận đây là một tội nghiêm trọng cần có hình phạt nghiêm khắc. Một số người thậm chí còn nói rằng những hành động như vậy là một cách thể hiện tình cảm", Jang Yun-mi, thuộc Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Hàn Quốc, nhận xét.

Cô chỉ ra dữ liệu của chính phủ cho thấy có tổng cộng 4.515 trường hợp rình rập đã được báo cáo cho cảnh sát vào năm 2020 nhưng gần 90% không được điều tra vì chưa đủ cấu thành phạm tội.

"Hành vi rình rập không chỉ gây ra những tác động về mặt tinh thần. Chúng ta nên lưu ý đến sự nguy hiểm ngày càng leo thang của loại tội phạm này. Thực tế, 3 trong số 10 vụ giết người nhắm vào phụ nữ trong năm 2019 là do những kẻ theo dõi thực hiện", Jang nói.

Cần mạnh tay hơn

Cũng trong tháng 4, Hàn Quốc đã thông qua luật mới tăng cường hình phạt với hành vi rình rập, vốn từ lâu chỉ bị coi là tội nhẹ. Theo luật mới có hiệu lực từ tháng 9, người phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 5 năm và phạt tiền tới 50 triệu won (44.000 USD).

"Được đề xuất từ năm 1999 song phải mất 22 năm luật này mới được thông qua. Nếu nó được ban hành sớm hơn, chúng ta có thể đã phần nào ngăn chặn những kẻ như Kim và cứu bao người vô tội", Lee Soo-jung, giáo sư tại Đại học Kyonggi, nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia kêu gọi luật mới vẫn cần sửa đổi, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của nó trong việc bảo vệ nạn nhân và ngăn ngừa tội phạm.

Cụ thể, đạo luật quy định rằng không thể truy tố nếu nạn nhân bày tỏ sự phản đối. Điều này có thể làm tăng khả năng thủ phạm tống tiền hoặc dụ dỗ nạn nhân từ bỏ việc khiếu nại.

Ngoài ra, luật định nghĩa hành vi rình rập theo nghĩa hẹp và trừu tượng, dù hành vi này có nhiều hình thức khác nhau.

"Luật pháp quy định rằng việc rình rập phải diễn ra nhiều lần mới bị coi là hành vi phạm tội. Tuy nhiên điều này có thể cản trở việc phát hiện và xử lý nhanh chóng", Seung Jae-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Tội phạm học Hàn Quốc, cho biết.

phu nu Han bi rinh rap anh 2

Kẻ rình rập, tấn công phụ nữ có thể đến từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.

Ngoài ra, luật mới cũng thiếu các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

"Nạn nhân không được phép tự xin lệnh bảo vệ từ tòa án, vì cảnh sát phải thực hiện các bước thích hợp trước. Điều đó có nghĩa là nạn nhân phải đợi rất lâu trước khi nhận được các biện pháp bảo vệ hợp pháp, dẫn đến việc có thể khiến họ dễ bị tổn thương hơn", giáo sư Lee nói.

Bà cũng kêu gọi các quy định cứng rắn hơn chống lại việc theo dõi, rình rập trực tuyến, vốn có thể dễ dàng tràn ra thế giới thực.

Một cuộc thăm dò gần đây của Hiệp hội Thông tin Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 42,3% trong số 1.500 người lớn được hỏi cho biết từng bị Cyberstalking (theo dõi trên mạng) vào năm 2020, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các loại quấy rối trực tuyến.

Trên mạng xã hội, nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, bắt đầu chia sẻ các biện pháp tự bảo vệ bản thân khỏi loại tội phạm này.

Kim Ran (32 tuổi) cho biết cô xịt nước hoa cũ lên các gói bưu phẩm để làm mờ thông tin cá nhân.

"Vụ của Kim thực sự khiến tôi kinh hãi, đặc biệt là khi tôi sống một mình. Khi nói đến mẹo nhỏ như nước hoa có tác dụng tốt trong việc loại bỏ vết mực, nghe có vẻ hài hước, nhưng tôi chẳng thể cười nổi", cô nói.

Theo Zing