|
|
Những người yêu động vật tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt tiêu thụ thịt chó tại Jongno-gu, trung tâm Seoul vào ngày 8/7 |
Trong những ngày hè nóng bức, đối với nhiều người Hàn Quốc món Boshintang - hay thịt chó hầm - từ lâu đã trở thành món ăn chính để đánh bại cái nóng.
Tuy nhiên, người Hàn Quốc đến nay vẫn chia rẽ về vấn đề này. Trong khi một số người coi chó như một bạn đồng hành, một con thú cưng thì những người khác nói rằng việc ăn thịt chó là một khía cạnh đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của đất nước và là quyền cơ bản để quyết định lựa chọn thực phẩm của một người.
Chính vì thế mà cuối tuần rồi, khoảng 200 thành viên của Hiệp hội những người nuôi chó (ADF) đã xuống đường Jongno-gu ở trung tâm Seoul để công khai ăn thịt chó. Thậm chí họ còn mang những món ăn được chế biến từ thịt chó cho người qua đường như một phần của cuộc biểu tình lên án việc chống thịt chó của hiệp hội bảo vệ động vật.
Ju Yeong-bong, Chủ tịch ADF, nói rằng tiêu thụ thịt chó là quyền lựa chọn thực phẩm không thể bị vi phạm, nhấn mạnh rằng lệnh cấm là một hình thức phân biệt đối xử.
Theo ông Ju, hiện có khoảng 70.000 tấn thịt chó đang được sản xuất và phân phối trên toàn quốc. “Quyền tự do lựa chọn ăn gì của con người phải được tôn trọng và đảm bảo. Các chính trị gia, các nhà hoạt động và các nhóm bảo vệ động vật và thậm chí cả tổng thống không có quyền phản đối các quyền cơ bản của một người” - ông nói.
Việc tiêu thụ thịt chó không bị cấm rõ ràng cũng như không được pháp luật bảo vệ ở Hàn Quốc. Bộ Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc liệt chó vào danh sách vật nuôi, nhưng không phải vật nuôi để lấy thịt khiến việc tiêu thụ thịt chó bị hạn chế.
Giữa cuộc tranh luận đang diễn ra về vấn đề này, đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee cũng đã công khai cam kết chấm dứt mọi hình thức tiêu thụ thịt chó.
Ngoài ra, các nhà lập pháp của cả đảng cầm quyền và đảng đối lập chính đã đệ trình dự luật cấm ăn thịt chó vào tháng Tư như một nỗ lực chấm dứt tập tục truyền thống. Vào cuối tháng Năm, Kim Ji-hyang, thành viên Đảng Quyền lực Nhân dân của Hội đồng Thủ đô Seoul, đã đưa ra dự luật cấm ăn thịt chó và mèo và phạt tiền tối đa 5 triệu won (3.865 USD) đối với các doanh nghiệp bán thịt những con này làm thực phẩm.
Những người ủng hộ động vật đã hoan nghênh động thái này, đặt hy vọng rằng nó có thể cứu sống những con chó được nuôi để lấy thịt.
Jo Hee-kyung, người đứng đầu Hiệp hội phúc lợi động vật Hàn Quốc cho biết: “Không giống như trước đây, công chúng có quan điểm sâu sắc rằng không nên cho phép ăn thịt chó nữa, vì ngày càng có nhiều người trở thành chủ sở hữu thú cưng. Ngoài ra, việc ăn thịt chó gây ra lo lắng và tổn thương về cảm xúc, vì ngày nay nhiều người chia sẻ mối quan hệ tình cảm với thú cưng của họ. Tập tục tàn bạo và truyền thống ăn thịt chó là ngược đãi động vật nghiêm trọng".
Mặc dù không còn xuất hiện hàng ngày trên bàn ăn của người Hàn Quốc, nhưng theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế Hàn Quốc vào năm 2022 thì 53,6% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho biết họ đã ăn thịt chó một cách “bất đắc dĩ”, một số người nói rằng họ phải làm như vậy do áp lực từ người lớn tuổi.
Ahn Jong-min, một thành viên của Catch Dog Team, một nhóm dân sự về quyền động vật, đồng tình với quan điểm của Jo rằng hành động giết chó để lấy thịt nên bị coi là bất hợp pháp.
“Việc tiêu thụ thịt chó là đi ngược lại quyền cơ bản của động vật vì chúng đang bị tàn sát dã man. Chính phủ nên đưa ra các biện pháp để ngăn chặn những cái chết oan uổng của những chú chó” - Ahn nói.
Theo phụ nữ TPHCM