Theo “Báo cáo Hoạt động buôn người năm 2021” - một báo cáo thường niên do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố - bên cạnh một số quốc gia bị hạ bậc, một số nước khác cũng đã được nâng hạng trong những nỗ lực chống tội phạm buôn người trong năm nay.
|
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ước tính hiện có gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người - Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, ước tính hiện có gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người. “Một số người bị ép buộc tham gia vào hoạt động mại dâm. Những người khác bị buộc phải làm việc trong các nhà máy, trang trại hoặc tham gia các nhóm vũ trang. Đây thật sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và gây ra nhiều nỗi đau cho nhân loại”, Blinken nói.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đại dịch COVID-19 đã “làm cho nhiều người dễ bị sa vào bẫy của bọn buôn người hơn, đồng thời làm cho chính phủ các nước bị gián đoạn trong việc triển khai các kế hoạch chống lại hoạt động của các băng nhóm này”.
“Khi chính phủ các nước trên thế giới tập trung nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19 cũng là lúc bọn buôn người lợi dụng các kẻ hở để tấn công những người dễ bị tổn thương do tác động của đại dịch’, báo cáo giải thích thêm.
Kari Johnstone - Quyền giám đốc Văn phòng Giám sát và Chống buôn người - cho biết các yếu tố nói trên xảy ra đồng thời đã tạo ra “một môi trường lý tưởng” để nạn buôn người hoành hành.
Chẳng hạn, báo cáo cho biết, ở Ấn Độ và Nepal, những cô gái trẻ ở các vùng nông thôn nghèo khó thường phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn về kinh tế. Một số em đã bị cha mẹ ép kết hôn để đổi lấy tiền. Nhiều em khác thì bị buộc phải làm việc để bù vào phần thu nhập của gia đình đã bị mất do ảnh hưởng của đại dịch.
Ở một số quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ, chủ nhà buộc người thuê nhà, thường là phụ nữ, quan hệ tình dục với mình khi họ không thể trả tiền thuê nhà. Ngoài ra, các băng nhóm ở một số nước lại chuyên săn lùng những người di dân đang bị tạm giữ trong các trại tị nạn để lạm dụng.
|
Khi chính phủ các nước tập trung các nguồn lực cho việc phòng chống đại dịch COVID-19, nạn buôn người hoạt động mạnh mẽ |
Báo cáo nói trên xếp hạng các quốc gia trên thế giới dựa trên mức độ tuân thủ Luật Bảo vệ Nạn nhân buôn người (TVPA) năm 2000. Trong danh sách năm nay, 6 quốc gia đã bị tụt hạng từ Nhóm 1 - thứ hạng cao nhất - xuống Nhóm 2, bao gồm Đảo Síp, Israel, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Các nước Nhóm 2 là những nước chưa “đáp ứng đầy đủ” các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA “nhưng đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ” các tiêu chuẩn này.
Hai quốc gia là Guinea-Bissau và Malaysia đã được thêm vào Nhóm 3 - danh sách những quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất các tiêu chuẩn của TVPA. Trong nhóm này hiện có Afghanistan, Algeria, Trung Quốc, Comoros, Cuba, Eritrea, Iran, Myanmar, Nicaragua, Triều Tiên, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.
Malaysia đã bị tụt xuống nhóm này sau khi bị các nhóm nhân quyền và chính quyền Mỹ lên tiếng về việc nước này bóc lột công nhân nhập cư trong các đồn điền và nhà máy.
Trong Nhóm 3 cũng có 11 nước được cho là có sự tiếp tay của chính phủ cho các hoạt động buôn người.
“Chính phủ các nước nên bảo vệ và phục vụ công dân của mình, không nên khủng bố hay đàn áp họ để chạy theo lợi ích của các nhóm tội phạm”, Blinken lên tiếng.
Bên cạnh các quốc gia bị hạ Nhóm, một số nước như Belarus, Burundi, Lesotho và Papua New Guinea cũng đã được nâng từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 nhờ những cải thiện trong việc việc tuân thủ các quy định của TVPA.
Theo chính sách ngoại giao của Mỹ, nước này có thể hạn chế hỗ trợ các nước thuộc Nhóm 3, tùy thuộc vào sự xem xét và chấp thuận của tổng thống.
Đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO. Quốc gia đã bị buộc tội vi phạm Luật Chống sử dụng trẻ trong lực lượng vũ trang. “Mỹ hy vọng sẽ làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để khuyến khích tất cả các nhóm liên quan đến các vụ xung đột ở Syria và Libya không sử dụng binh lính trẻ em nữa”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo phunuonline.com.vn