Báo cáo cho biết số người suy dinh dưỡng đã tăng lên khoảng 768 triệu người trong năm 2020 - tương đương 10% dân số thế giới và tăng 118 triệu người so với năm 2019.
Được sự cho phép của các cơ quan Liên Hợp Quốc bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), báo cáo là đánh giá toàn diện đầu tiên về tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong số 768 triệu người suy dinh dưỡng, 418 triệu người được ghi nhận ở châu Á, 282 triệu người ở châu Phi, 60 triệu người ở châu Mỹ Latinh và Caribe và 8 triệu người ở các châu lục khác. Tại châu Phi, số người bị suy dinh dưỡng chiếm 21% dân số, cao hơn gấp đôi so với bất kỳ khu vực nào.
|
Các thực phẩm đóng gói của tổ chức phi lợi nhuận New Life Centers ở Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. |
Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đủ lương thực đã tăng 320 triệu người lên 2,37 tỷ người vào năm ngoái - mức tăng trong một năm bằng với 5 năm trước đó cộng lại.
"Thật không may, đại dịch tiếp tục bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống lương thực của chúng ta, đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn thế giới” - các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết trong một tuyên bố chung.
Nhà kinh tế trưởng Arif Husain của WFP nhận định sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ để đảo ngược tình trạng nạn đói ở mức cao như hiện nay.
Rất nhiều hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức sắp tới như Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực của LHQ, Hội nghị thượng đỉnh dinh dưỡng cho tăng trưởng của LHQ... nhằm giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng nhưng báo cáo nhấn mạnh thách thức là rất lớn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, cho biết: "Trong một thế giới nhiều thực phẩm, chúng ta không có lý do gì để hàng tỷ người thiếu cơ hội tiếp cận với một chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là lý do tại sao tôi triệu tập Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực toàn cầu vào tháng 9 này".
Bên cạnh đó, Giám đốc WFP, David Beasley cho biết trong khi 41 triệu người hiện đang có nguy cơ chết đói thì tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú thế giới đang tăng khoảng 5,3 tỷ USD mỗi ngày - số tiền tương đương cần thiết để cứu sống những người chết đói trên toàn cầu.
Sau khi thuyên giảm trong vài thập kỷ, tình trạng mất an ninh lương thực đã gia tăng kể từ giữa những năm 2010, đặc biệt là ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, khí hậu khắc nghiệt, suy thoái kinh tế…
Theo phunuonline.com.vn