|
|
Các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tham gia một hội thảo chống quấy rối tình dục ở căn cứ Asaka (Tokyo) hôm 16.4 |
Theo sau các vụ quấy rối tình dục trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) được báo đài đăng tin, số nữ binh đăng ký nhập ngũ giảm 12% trong vòng một năm tính đến tháng 3.2023. Một số nạn nhân cho rằng lý do đến từ nạn quấy rối tình dục, vốn tồn tại cố hữu trong SDF.
Vụ tố cáo năm 2022
|
|
Cô Rina Gonoi giành chiến thắng trong vụ kiện quan trọng |
Năm 2022, cô Rina Gonoi, khi ấy 23 tuổi, đã tố cáo đồng đội thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản quấy rối tình dục ở mức độ nghiêm trọng đến nỗi cô phải xuất ngũ.
Kể từ khi tòng quân năm 2020, cô Gonoi kể lại mỗi ngày đều bị quấy rối tình dục từ các đồng đội nam giới. "Khi đi dọc theo hành lang, có người vỗ eo bạn, hoặc ôm bạn từ đằng sau", cô Gonoi kể lại với Hãng tin AFP năm 2023. "Tôi bị hôn lên má, bị sờ ngực", cô cho biết.
Đến năm 2021, trong một cuộc diễn tập, cô Gonoi nói bị 3 đồng nghiệp nam ghì chặt xuống đất và có hành vi quấy rối trắng trợn, trong khi những người nhìn và cười đùa. Sau khi báo với thượng cấp mà không được giải quyết, cô xuất ngũ và quyết định đâm đơn tố cáo.
Tháng 12.2023, tòa án Nhật Bản tuyên án 2 năm tù treo đối với những người đã tấn công cô.
Sau vụ việc xảy ra cho cựu nữ binh Gonoi, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vào năm 2022 tiến hành cuộc khảo sát và phát hiện hơn 170 vụ quấy rối tình dục ở các lực lượng.
Một nạn nhân khác là nữ binh ở căn cứ Okinawa, lên tiếng tố cáo thượng cấp quấy rối cô vào năm 2013.
Chưa có biện pháp hiệu quả
|
|
Một buổi hội thảo chống quấy rối tình dục ở căn cứ Asaka (Tokyo) hôm 16.4 |
Sau 9 tháng kể từ khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản cam kết áp dụng các biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng trên, cơ quan này vẫn chưa có kế hoạch hành động đối với đề xuất đến từ ủy ban độc lập do chính quyền Tokyo bổ nhiệm.
Reuters dẫn lời 2 quan chức SDF cho hay ủy ban đề nghị triển khai một hệ thống trên toàn quốc nhằm rà soát lại những tiêu chuẩn đào tạo và truyền tải thông điệp chống nạn quấy rối tình dục.
Trong báo cáo vào tháng 8.2023, ủy ban nêu lên 2 vấn đề góp phần làm tiếp tục tình trạng văn hóa quấy rối tình dục bên trong các lực lượng Nhật. Thứ nhất là chương trình giáo dục chống quấy rối nhưng được tổ chức hời hợt. Thứ hai là việc thiếu giám sát tập trung đối với hoạt động tập huấn dạng này.
Bà Makoto Tadaki, người đứng đầu ủy ban độc lập, nhận xét một số buổi tập huấn được tổ chức không phù hợp với mức độ của tình hình.
Một nữ binh đang đâm đơn kiện chính phủ Nhật Bản vì mình bị quấy rối tình dục trong quân ngũ khi trả lời phỏng vấn Reuters cho rằng mọi nội dung giáo dục và tập huấn mà cô tiếp nhận trong 10 năm qua đều không mang đến hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng quấy rối.
Những kêu gọi loại trừ nạn quấy rối tình dục và gia tăng sự hiện diện của nữ giới trong quân ngũ được thực hiện trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt thách thức ngày càng cấp bách hơn ở khu vực.
Phụ nữ hiện chiếm khoảng 9% quân số Nhật Bản, so với 17% của đồng minh Mỹ.
Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định tình trạng quấy rối không được phép tồn tại vì nó phá hủy sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quân nhân và làm suy yếu sức mạnh của họ".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay từ năm 2023 đã mời các chuyên gia bên ngoài đứng lớp những buổi tập huấn chống nạn quấy rối tình dục, với nội dung tập trung hơn vào sự đối thoại và trao đổi. Bộ cũng có kế hoạch trong năm nay sẽ mời các chuyên gia đánh giá hoạt động tập huấn.
Tuy nhiên, bộ không trả lời câu hỏi liên quan đến việc có thực hiện khuyến nghị của ủy ban độc lập về việc tập trung giám sát đào tạo hay không.
Theo Thanh niên