"Khi tôi vừa đi ngang qua một nhóm bạn trẻ có cả da đen và da trắng, một trong số đó kêu lên 'Trung Quốc kìa, tiêu rồi, đáng lẽ mình phải đeo thêm khẩu trang' rồi cười khoái trá", anh Lam Tĩnh, sống ở thành phố New York, Mỹ chia sẻ với VnExpress.
New York là thành phố đông dân bậc nhất nước Mỹ và cũng là một trong những nơi có đa dạng sắc tộc nhiều nhất ở quốc gia này. Với khoảng 16% dân số là người Mỹ gốc Á, tình trạng thù ghét nhắm vào người gốc Á ở New York đã tăng lên trong thời gian gần đây.
Sở cảnh sát thành phố New York cho biết số vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã tăng lên 28 trường hợp trong năm 2020, trong khi năm 2019 con số này chỉ là 3, theo NYTimes. Nhiều nhà hoạt động thậm chí lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn, do nhiều vụ việc không được báo cáo.
Anh Tĩnh cho hay phân biệt chủng tộc chính là kiểu thể hiện tiêu cực nhất của thói xấu muốn người khác phải giống mình, không muốn chấp nhận sự khác biệt, mặc dù Mỹ là nơi có nhiều sắc dân khác nhau đang sinh sống. Tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á đôi khi còn xuất hiện ở một số cơ quan và nhân viên công quyền.
"Họ không để tâm lắm tới các vấn đề của người gốc Á vì cho rằng cộng đồng này khá ôn hòa, chăm chỉ và hiếm khi gây chuyện", anh nói.
Kết quả nghiên cứu được công bố tuần này của diễn đàn Ngừng thù ghét cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI) tiết lộ khoảng 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã xảy ra trên khắp nước Mỹ trong năm qua, trong đó phụ nữ chiếm 68% và nam giới là 29%, theo NBCNews. Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California ở San Bernardino cho biết số vụ tấn công đã tăng 150% so với năm 2020, với nhiều hình thức từ lăng mạ trên phố, đâm chém tới phá hoại cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Á.
Vụ xả súng vào ba cửa hàng spa tại Atlanta hôm 16/3, khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á là hồi chuông cảnh báo mới nhất về "đại dịch" thù ghét người gốc Á tại Mỹ.
"Từ trước đến nay họ đã quen thuộc với điều đó rồi. Nhưng có lẽ Covid-19 đã giáng những đòn mạnh vào cuộc sống của nhiều người trong thời gian quá dài, nhất là tầng lớp trung lưu trở xuống. Điều đó khiến việc kỳ thị người gốc Á gần đây trỗi dậy", Lam Tĩnh nhận định.
Ngân Vũ, người Việt sống ở California, cho biết kỳ thị chủng tộc là câu chuyện đã có từ lâu ở Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng kỳ thị và tấn công người gốc Á tăng nhiều hơn trong năm qua là do nhiều chủng tộc khác đang đánh đồng người gốc Á với Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát Covid-19.
Ngân cho rằng thủ phạm vụ tấn công ở Atlanta gần đây là người có định kiến với người gốc Á. "Hắn đã xả súng vào ba cửa hàng spa khác nhau và người làm trong đó hầu như là gốc Á. Nên vụ xả súng này có mục tiêu rõ ràng chứ không chỉ là ngẫu nhiên", Ngân nói.
Trong khi đó, Thanh Trầm, một người Việt khác sống ở California, cho rằng tình trạng thù ghét người gốc Á bắt nguồn từ việc nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa có tư tưởng ghét Trung Quốc.Cựu tổng thống Mỹ cũng từng nhiều lần gọi nCoV là "bệnh dịch ở Trung Quốc" hay "virus Trung Quốc", động thái bị nhiều người chỉ trích làm tăng phân biệt đối xử với người châu Á ở Mỹ.
"Người Việt nhiều khi cũng bị nhầm là người gốc Hoa", chị Trầm kể. "Hầu như người Việt ở Mỹ được tiếng chăm và học giỏi... Nhiều người Mỹ da trắng còn rất thích món ăn Việt Nam như nem, phở".
Bảo Long, du học sinh tại thành phố Baltimore, bang Maryland, chưa từng bị phân biệt đối xử chỉ vì màu da hay xuất xứ của mình. Anh cho biết người dân nơi anh sống thậm chí rất thân thiện.
"Người dân Baltimore, đặc biệt là những người trên 30 tuổi, rất thân thiện và nhiệt tình. Tôi có thể vui vẻ, thoải mái trò chuyện với mọi người khi đi siêu thị. Hoặc như khi ra ngoài có gì cần hỏi, mọi người đều trả lời nhiệt tình", Long kể.
Long cho rằng cuộc sống ở Baltimore dễ chịu, ít phân biệt chủng tộc hơn là do thành phố này rất đông người da đen và gốc Latinh, trong khi tỷ lệ người da trắng so với các thành phố khác thấp hơn nhiều.
"Tôi nghe bạn bè kể ở một số thành phố khác, người da trắng khá lạnh nhạt, có khi còn thô lỗ, với người châu Á. Tôi cũng đọc tin về Atlanta, đúng là rất kinh khủng, nhưng may mắn là ở Baltimore thường không có chuyện này", Long nói.
Giống như Bảo Long, Phương Nguyễn, nhân viên bảo hiểm ở thành phố Sugar Land, bang Texas, cũng cảm thấy may mắn vì cuộc sống của anh và gia đình khá yên bình, không phải đối mặt với tình trạng bị phân biệt đối xử, kể từ khi chuyển tới Mỹ năm 2011.
"Khu vực tôi sống mọi thứ rất tốt, vì là miền quê", anh Phương chia sẻ. "Trước đây cũng có trường hợp nhắm vào người gốc Á như Hàn Quốc hay Ấn Độ, nhưng nhìn chung ở phía nam mọi chuyện không căng thẳng lắm".
Sau những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á gần đây, người dân ở nhiều nơi tại Mỹ đã xuống đường tuần hành kêu gọi chống lại làn sóng thù ghét, kỳ thị ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng cho biết các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á "tăng vọt" và kêu gọi dân Mỹ chống lại "sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài ngoại".
"Sự thù ghét không thể có bến đỗ an toàn ở Mỹ. Nó phải được chấm dứt", Tổng thống Joe Biden nói trong chuyến thăm Atlanta hôm 19/3.
"Tôi nghĩ chỉ khi tiếng nói về cộng đồng châu Á được cất lên nhiều hơn và mạnh mẽ hơn trên các phương tiện truyền thông của Mỹ thì những sự kỳ thị như trên mới có thể được giải quyết một cách có hệ thống", anh Lam Tĩnh chia sẻ.
Theo vnexpress