Quang cảnh Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 tới khu vực các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ngày 27-5, tại Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) đã tổ chức Hội nghị triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.
Tại hội nghị, bà Khương Thị Nhàn - vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - thông tin Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng hành vi và kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu. Năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, chuyên môn còn hạn chế và quản trị nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước hiện đại.
Ông Đào Trọng Độ - vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - nói thêm rằng xét các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan nhân lực lao động thì Việt Nam hiện vẫn tương đối thấp trong khu vực khi ở mức 67/141 quốc gia có xếp hạng. Trong đó, chất lượng đào tạo đứng thứ 102/141 và năng suất lao động tính ra chưa bằng 1/10 so với Singapore.
"Nguồn nhân lực của chúng ta có kỹ năng làm việc yếu là điểm trừ khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đổ về các quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ, có chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn", ông Độ nêu.
Cũng theo ông Độ, một bất cập hiện nay là việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động dù đã triển khai quyết liệt gần 1 năm nay, tổng cục tổ chức khoảng 30 buổi làm việc với địa phương, doanh nghiệp nhưng việc giải ngân kinh phí vẫn rất thấp, đạt khoảng 60 tỉ đồng, trong khi kinh phí Chính phủ dự kiến dành riêng 4.500 tỉ đồng.
Theo Tuổi trẻ