|
Số người cao tuổi ngày càng tăng trên thế giới mở ra một thị trường rộng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu của họ |
Doanh nghiệp đang “o bế” người tiêu dùng lớn tuổi
Dân số Singapore đang già đi nhanh chóng. Theo báo cáo dân số năm 2023 của chính phủ Singapore, số công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số, tăng 11,7% so với thập niên trước. Đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ là 1/4 dân số. Khi độ tuổi dân số trung bình tăng lên, cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi cũng tăng theo.
Theo Aging Asia - một doanh nghiệp xã hội chuyên về dịch vụ và sản phẩm cho người cao tuổi - “nền kinh tế bạc” của Singapore dự kiến sẽ đạt giá trị 72,4 tỉ USD vào năm 2025. Do vậy, từ các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều trị cho bệnh nhân cao tuổi đến các nền tảng quản lý hàng hóa phục vụ lối sống tuổi xế chiều đều muốn đón đầu xu hướng, thỏa mãn nhu cầu người cao tuổi.
Kelvin Tan - trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng về lão hóa tại Đại học Khoa học xã hội Singapore (SUSS) - cho biết: "Sự thay đổi trong thái độ chi tiêu của người cao tuổi sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ngày càng tăng trong nền kinh tế. So với các thế hệ trước đây, thế hệ sinh từ năm 1946 trở đi của Singapore được giáo dục tốt hơn, có nhiều tiền tiết kiệm hơn và nhận thức rõ hơn về cách tìm kiếm sự hỗ trợ trong đời sống".
Theo báo cáo của Citibank Singapore, người tiêu dùng từ 65 tuổi trở lên có tốc độ tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất so với các nhóm tuổi khác. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng tạo cơ hội cho các công ty phục vụ phúc lợi của người cao tuổi. Nhìn chung, thế hệ lớn tuổi ngày nay có ý thức cao hơn về nhu cầu duy trì sức khỏe tốt. Thị trường chăm sóc người cao tuổi đã phát triển ổn định khi ngày càng có nhiều công ty cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn và phát triển chiều sâu trong các lĩnh vực chuyên môn.
Vanessa Keng - người đồng sáng lập The Golden Concepts, một cửa hàng thương mại điện tử chuyên tuyển chọn các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi - giải thích rằng sự gia tăng đa dạng trên là điều tốt vì khách hàng cao tuổi có nhiều khả năng tìm thấy giải pháp phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhiều công ty thiết kế các sản phẩm giúp người cao tuổi sống độc lập. Các thiết bị như bấm móng tay có kính lúp, móc gài dây khóa kéo và muỗng uốn cong giúp người lớn tuổi tự mặc quần áo và tự ăn... được đánh giá cao.
Trong những năm qua, Golden Concepts chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng khách hàng mua thiết bị hỗ trợ di chuyển giai đoạn đầu (gậy chống, khung tập đi và khung tập đi có bánh xe) thay vì các thiết bị hỗ trợ giai đoạn cuối như xe lăn. Ngay cả ngành công nghiệp thực phẩm cũng đang phát triển sản phẩm phục vụ chế độ ăn cho người già.
The Gentle Group là một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển dòng thực phẩm xay nhuyễn được đúc thành các hình dạng thức ăn quen thuộc dành cho những người khó nuốt. Kosmode Health tạo ra loại mì không chứa tinh bột cho người lớn tuổi và người mắc bệnh tiểu đường bằng cách sử dụng protein và chất xơ từ hạt lúa mạch.
Các công ty cũng sử dụng công nghệ AI và thiết bị gia dụng thông minh để cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi. Một báo cáo của Research and Markets ước tính rằng thị trường toàn cầu về “công nghệ cao cấp dành cho người lớn tuổi” sẽ tăng gấp 3 lần trong 7 năm tới, đạt 82 tỉ USD vào năm 2030.
|
Cặp vợ chồng Ấn Độ, ông bà Verma (mr._and_mrs._verma) đã thu hút được hơn 72.000 người theo dõi trên Instagram. Họ chuyên giới thiệu các sản phẩm phục vụ nhu cầu thường nhật cho người lớn tuổi |
Các công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Singapore như Jaga-Me và Homage giúp kết nối bệnh nhân cao tuổi với người chăm sóc thông qua ứng dụng di động, giúp con cháu an tâm hơn nếu phải để cha mẹ, ông bà ở nhà một mình.
Theo Bộ Y tế Singapore, đến năm 2030, khoảng 100.000 người cao tuổi sẽ cần hỗ trợ trong ít nhất một hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Các công ty khởi nghiệp của Singapore như SmartPeep và SoundEye sử dụng công nghệ để phát hiện người cao tuổi té ngã, đưa ra cảnh báo yêu cầu trợ giúp khi đối tượng gặp nguy hiểm. Một thương hiệu khác, Tetsuyu, phát triển ứng dụng hỗ trợ AI giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc có thể sử dụng để theo dõi vết thương và dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân cao tuổi từ bất kỳ thiết bị internet nào.
Tuy nhiên, trong khi một số người lớn tuổi dễ thích nghi với công nghệ mới, những người khác có thể thiếu hiểu biết về công nghệ và cảm thấy khó khăn trước sự thay đổi của ngành y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, một số người cao tuổi thậm chí có thể cảm thấy rằng quyền riêng tư của họ bị công nghệ theo dõi sức khỏe xâm phạm. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sẽ cần đầu tư thời gian để thuyết phục người cao niên về lợi ích của việc theo dõi sức khỏe.
Thời của những người ảnh hưởng lớn tuổi
Các nhà tiếp thị thường muốn đưa thương hiệu của họ đến với thế hệ trẻ nhưng giờ đây, khi dân số ngày càng già hóa, họ nhận ra tiềm năng khi làm việc với những người cao niên có ảnh hưởng và tiếp cận các thế hệ lớn tuổi hơn. Ví dụ, nhãn hàng Mountain Dew đã tổ chức một bữa tiệc ở Florida (Mỹ) để quảng cáo đồ uống có cồn mới của mình - Hard Mountain Dew. Thế nhưng, thay vì kết nối những người có ảnh hưởng trẻ tuổi, Mountain Dew tổ chức một bữa tiệc dành cho những người đã về hưu. Thương hiệu làm đẹp Ilia và Alaska Airlines cùng một số tên tuổi khác cũng chọn những người có ảnh hưởng lớn tuổi để quảng bá.
|
Nữ diễn viên Trung Quốc 85 tuổi Wu Yanshu giới thiệu một trong những mẫu túi Matelassé đặc trưng của Miu Miu |
Rachelle Avila - Giám đốc kế hoạch truyền thông tại cửa hàng sáng tạo nội dung Mischief thuộc hệ sinh thái dịch vụ quảng cáo No Fixed Address (Mỹ) - giải thích: “Làm việc với những người cao niên có ảnh hưởng giúp các thương hiệu kiểm tra xem liệu thông điệp và chiến lược của họ có phù hợp với nhóm nhân khẩu học lớn tuổi hơn hay không mà không cần phải tạo một chiến dịch sáng tạo riêng cho phân khúc này”.
Theo các chuyên gia tiếp thị, những người cao niên có ảnh hưởng đã xây dựng cộng đồng người theo dõi không chỉ gồm những người cao tuổi mà còn cả nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi yêu thích tính hài hước cùng sự thông thái của họ. Một số người có ảnh hưởng lớn tuổi phổ biến trên TikTok là bà Lynn Davis (@cookingwithlynja, với 17,4 triệu người theo dõi), bà Lillian Droniak (@grandma_droniak, với 12 triệu người theo dõi), bà Barbara Costello (@brunchwithbabs, với 3,9 triệu người theo dõi)…
Trung Quốc là nơi có lượng người mua sắm trên 60 tuổi lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, đến cuối năm 2021, cả nước có 267 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,9% tổng dân số. Tính cách và đặc điểm cá nhân của các cụ ông, cụ bà trở thành tài sản quý giá có thể làm nổi bật hình ảnh tổng thể của thương hiệu, đặc biệt là hình ảnh của các nhãn hiệu xa xỉ. Đồng thời, sự hiện diện tích cực trên nền tảng kỹ thuật số của họ là bằng chứng cho tư duy trẻ trung - nhân tố khiến họ thu hút giới trẻ.
Khi nữ diễn viên Trung Quốc 85 tuổi Wu Yanshu xuất hiện giữa một nhóm người ảnh hưởng thuộc thế hệ 8X trở đi trong một chiến dịch quảng cáo của thương hiệu xa xỉ Miu Miu vào tháng 4/2023, sự hợp tác này đã trở thành một điểm nhấn. Sự tham gia của bà Wu là một phần trong sáng kiến Women's Tales của Miu Miu - bao gồm loạt phim ngắn nói về một số nữ đạo diễn và nhân vật có ảnh hưởng của Trung Quốc đại diện cho hình ảnh phụ nữ trong thế kỷ XXI. Sự có mặt của bà Wu trong chiến dịch tôn vinh sự trưởng thành và trí tuệ của phụ nữ.
Theo phụ nữ TPHCM