Một buổi sáng tháng Mười, khi con cháu hối hả đi làm, đi học thì bà Oh Mae In (68 tuổi, ở Hàn Quốc) cũng xách giỏ chậm rãi đến chỗ làm. Hiện bà đang làm nhân viên thu ngân cho một cửa hàng tiện lợi. Công việc không đòi hỏi nhiều sức lực và giúp bà gặp gỡ nhiều người. "Trước đây tôi làm kế toán cho một công ty lớn. Sau khi nghỉ hưu một thời gian, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị, nhàm chán. Thế là tôi đi tìm việc mới và công việc hiện tại khá thú vị. Công việc vẫn gắn liền với những con số, tôi lại gặp được nhiều người để trò chuyện nên thấy rất vui vẻ, đầu óc minh mẫn hơn" - bà Oh kể.
|
1/3 người Nhật từ 70-74 tuổi hiện vẫn tham gia lực lượng lao động - Nguồn ảnh: Nippon |
Bà Oh là một trong rất nhiều người hiện vẫn đi làm sau tuổi nghỉ hưu.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, những năm gần đây, số lượng người cao tuổi, nhất là phụ nữ, tham gia lực lượng lao động ngày càng tăng. Kết quả khảo sát của cơ quan này cho thấy 60% người trong độ tuổi từ 55-79 hiện vẫn đang làm việc. Điều đó có nghĩa là hơn 9,3 triệu người Hàn Quốc đang đi làm sau tuổi hưu. "Đây là tỉ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhất trong phân khúc xã hội này. Tính từ năm 2023 đến nay, lực lượng lao động lớn tuổi đã tăng khoảng 60%.
Dựa trên tỉ lệ hiện tại, số lượng lao động lớn tuổi ở Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt con số 10 triệu vào năm 2024. Sự gia tăng hoạt động kinh tế trong nhóm này có thể là từ nguyên nhân nhiều người cao tuổi có sức khỏe tốt, sự gia tăng các nỗi lo về chi phí sinh hoạt tăng cao" - báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc viết.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi Hàn Quốc muốn tham gia làm việc hơn. Năm 2011, có 47,8% phụ nữ trong độ tuổi từ 55-79 muốn làm việc. Vào năm 2021, tỉ lệ đó là 60,3%.
Theo giáo sư Kim Young-sun - Trường cao học Khoa học Y học Đông - Tây tại Đại học Kyung Hee - lý do nằm ở sự thay đổi của hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Giáo sư Kim cho biết: “Phụ nữ hiện nay có nền tảng giáo dục, thu nhập, địa vị kinh tế và xã hội khác so với trước đây”.
Cũng trong tháng Mười, số liệu được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố cho thấy, trong năm 2022, nước này có 9,1 triệu lao động từ 65 tuổi trở lên. Tỉ lệ người cao tuổi trong tổng số lao động hiện nay của Nhật Bản là 13,6%, nghĩa là cứ 7 người còn đi làm thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Trong số những người cao tuổi đang đi làm, 76,4% là nhân viên không chính thức, với công việc bán thời gian, 23,6% là nhân viên chính thức.
Tại Singapore, trong năm 2022, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,8% tổng dân số có việc làm ở nước này. Theo Bộ Y tế Singapore, chính những cải thiện về chăm sóc sức khỏe và mức sống trong những năm qua đã góp phần làm tăng tuổi thọ. Singapore hiện là một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á.
Tuổi nghỉ hưu tối thiểu ở Singapore hiện nay là 62 tuổi. Dù vậy, khoảng 32% cư dân ở độ tuổi 65 vẫn có việc làm hoặc đang tìm việc làm. Với nhiều người Singapore, gánh nặng kinh tế tăng lên khi họ nghỉ hưu. Kết quả khảo sát đối với những người trong độ tuổi lao động ở quốc gia này cho thấy, rất ít người chuẩn bị tài chính tốt cho việc nghỉ hưu.
Nhiều quốc gia đã có các chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người cao tuổi. Tại Singapore là những chương trình nâng cao kỹ năng để đảm bảo người cao tuổi vẫn có khả năng cạnh tranh trong lực lượng lao động. Tại Nhật Bản, từ năm 2021, chính phủ đã khuyến khích các công ty nâng tuổi hưu nhân viên lên trên 70 tuổi như cách giữ lực lượng lao động có chuyên môn cao hoặc tiếp tục tạo việc làm cho người lao động còn sức khỏe.
Ông Ahn Jun-ki - nhà nghiên cứu đang làm việc cho trung tâm dịch vụ thông tin việc làm quốc gia của Hàn Quốc - cho biết sau những khảo sát, nghiên cứu trên, chính phủ phải càng có thêm nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ lớn tuổi và sắp xếp công việc linh hoạt cho họ.
Theo phụ nữ TPHCM