leftcenterrightdel
Hầu hết các công việc thuộc 'nghề làm biếng' đều nhạt nhẽo, lặp lại, gây ngột ngạt và kiệt quệ tinh thần. Ảnh: Hermoney.com 

Gần đây, mạng xã hội “sốt” dạng công việc “nghề gái lười” - không cần vất vả, tiêu tốn nhiều thời gian mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, hiện thực có vẻ ngược lại hoàn toàn với những gì được khoe khoang.

“Nghề gái lười”

Cụm từ “nghề gái lười - lazy girl job” chỉ mới xuất hiện trong năm nay, được dùng để chỉ dạng công việc văn phòng làm tại nhà, cho phép người làm linh hoạt thời gian, miễn là hoàn thành công việc trước thời hạn và tự do làm tiếp hoặc nghỉ ngang. Vì hầu hết người theo đuổi dạng công việc này là các lao động nữ trẻ trung, độc thân, nên nó mới được đặt tên là “nghề gái lười”.

Các “nghề gái lười” thường thấy là nhập dữ liệu, sáng tạo nội dung, phiên dịch, tiếp thị… Nếu vào mạng xã hội TikTok và nhập cụm từ này, bạn sẽ thấy hàng loạt các clip và bài viết giới thiệu mà nội dung chủ yếu là khoe khoang nhàn nhã, dễ kiếm tiền. “Tất cả những gì tôi phải làm chỉ là copy – paste thư điện tử, nhận 3 – 4 cuộc gọi hàng ngày mà tiền lương lại cao hơn so với đi làm 8 giờ/ngày nhiều”, một tài khoản khoe.

“Có rất nhiều công việc để bạn có thể kiếm được 60 - 90 nghìn USD một cách dễ dàng”, TikToker tên Gabrielle Judge tuyên bố. Theo miêu tả của cô Judge, “nghề gái lười” là công việc từ xa linh hoạt, không đòi hỏi bằng cấp, nỗ lực, hiệu suất mà lại kiếm được thu nhập cao.

“Dẫu rằng không có bữa trưa nào miễn phí, song vẫn có rất nhiều những bữa trưa dễ dàng cho những người có kỹ năng”, cô nói trong video ca ngợi “nghề gái lười” được hơn 3,7 triệu lượt xem và trên 3 nghìn bình luận. Bên dưới video của cô Judge là một loạt các bình luận hưởng ứng. “Tôi chỉ chấp nhận cuộc sống nhàn hạ”, một người viết. “Tôi không bao giờ phải làm việc trước 9 giờ sáng”, người khác tự hào...

Cùng với video của cô Judge là hàng loạt các clip khác từ những “gái lười” đồng nghiệp. Nội dung của họ đều là cảnh làm việc tại nhà hoặc nơi nào đó có tầm nhìn đẹp, còn họ thì vừa thờ ơ xem, đọc, soạn tài liệu vừa nhấm nháp cà phê, tắm nắng, nghe nhạc…

leftcenterrightdel
 'Nghề gái lười' hấp dẫn bởi tính chất công việc nhàn nhã, lương cao. Ảnh: Channelnewsasia.com

Hiện thực khác xa

Nói chung, “nghề gái lười” có 4 đặc trưng căn bản là nhàn nhã (không ca làm việc dài, đi lại vất vả hoặc điều kiện làm việc nguy hiểm), từ xa, lương cao và thời gian linh hoạt. Tuy nhiên, cái “lười” ở đây không có nghĩa là được làm biếng và cái linh hoạt chỉ đồng nghĩa với việc “làm việc bất cứ giờ giấc nào”.

“Các clip trên TikTok đều là cảnh dàn dựng, chỉ quay lại mặt tốt đẹp của “nghề gái lười” và lờ đi những khía cạnh cực nhọc, áp lực”, Audrey Wan, sinh viên đại học người Singapore đang làm “gái lười” lên tiếng.

“Công việc “gái lười” đầu tiên mà tôi làm với tư cách thực tập sinh của một công ty khởi nghiệp là tiếp thị và tiếp cận khách hàng. Mặc dù được phép làm việc tự do, có quyền tự ý lên và điều chỉnh lịch trình nhưng tôi bị bắt buộc phải hoàn thành chỉ tiêu đúng hạn”, cô Wan cho biết.

Trong tư cách “gái lười”, cô Wan không bao giờ phải trình diện “sếp” song đổi lại, cô phải gọi Zoom báo cáo hàng tuần. “Ban đầu, tôi hào hứng như bắt được vàng vì yêu cầu công việc quá đỗi đơn giản mà lương lại cao. Chỉ khi bắt tay vào làm rồi, tôi mới biết mình đã quá ngây thơ. Sự linh hoạt về thời gian không có nghĩa là muốn nghỉ ngơi bao nhiêu cũng được, mà là phải làm việc bất cứ giờ giấc nào.

Yêu cầu hoàn thành công việc đúng thời hạn cũng đồng nghĩa với việc tôi phải một mình cáng đáng và chịu trách nhiệm. Nhiều lúc, tôi gặp khó khăn và rắc rối lớn. Tuy cái tôi nhận chỉ là một công việc, nhưng để hoàn thành công việc này thì cần đến nhiều chương trình, phần mềm và hiểu biết về nhiều dự án khác nhau. Suốt cả ngày, tôi không dám rời mắt khỏi điện thoại, chỉ sợ lỡ có tin nhắn trên Instagram của công ty mà không nhận kịp hoặc bỏ sót”.

leftcenterrightdel
 Mang tiếng làm 'nghề lười', các 'gái lười' phải ôm đồm nhiều việc một lúc và chịu trách nhiệm một mình. Ảnh: Bloomberg.com

“Kết cục, tôi đã phải tập trung cao độ bất chấp giờ giấc”, cô Wan gói gọn lại. Không riêng gì cô mà tất cả những “gái lười” nhận việc cùng lúc đều “chung một số phận”. Chỉ cần một người sơ ý bỏ lỡ một tin nhắn quan trọng là cũng đủ để một hợp đồng béo bở với đối tác “mọc cánh bay” và tất nhiên, cả người này lẫn các cộng tác viên có liên quan đều “gánh họa”.

“Nghề gái lười nhàn nhã về mặt thể chất, nhưng kiệt quệ về mặt tinh thần”, một “gái lười” thừa nhận. Bên cạnh những dòng bình luận khen ngợi “nghề gái lười” dưới video của cô Judge, cũng có không ít bình luận viết “thà làm công việc chân tay nặng nhọc còn hơn”.

Thêm vào đó, hầu hết các công việc thuộc “nghề gái lười” còn thuộc dạng đơn điệu, lặp đi lặp lại, ví dụ như nhập dữ liệu, thực hiện các cuộc gọi… Nó khiến cho các “gái lười” buồn chán và cáu bẳn, càng làm lâu thì càng khó chịu, ngột ngạt.

“Nghề gái lười, trớ trêu thay, lại đòi hỏi người lao động phải chăm chỉ, tập trung và có tinh thần trách nhiệm hơn bất cứ nghề nghiệp nào”, cô Wan kết luận. Chưa hết, “gái lười” còn là đối tượng dễ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo nhất. Trong thời đại AI đang đẩy lùi người lao động ngày nay, các “gái lười” có nguy cơ thất nghiệp cao nhất.

Theo giaoducthoidai