Shireena Shroff Manchharam là founder và người tư vấn chính của Sheens Image Consulting. Shireena nhớ lại khi mới làm công việc tư vấn, đào tạo cho các ngân hàng và tổ chức tài chính, cô đã trải qua rất nhiều nỗi sợ hãi và tự ti.
"Tôi không có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, cũng không học ở một trường danh giá kiểu như London Business School. Họ sẽ nhìn tôi và thắc mắc: 'Cô còn không phải là nhân viên ngân hàng, làm sao cô giúp được chúng tôi?'".
"Hội chứng kẻ mạo danh xảy ra khi tôi cảm thấy không biết liệu mình có thể làm được điều gì đó tốt như người khác hoặc có thể giúp gì cho khách hàng của mình hay không", Shireena nói với Her World.
|
Nhiều người dù làm chức vụ cao và có thành tích tốt vẫn không tin rằng mình có năng lực. |
Thuật ngữ "kẻ mạo danh" (imposter syndrome) lần đầu được đặt ra năm 1978, nhưng hội chứng tâm lý này ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt ở nữ giới.
Một nghiên cứu của công ty KPMG vào năm 2020 cho thấy 75% các giám đốc điều hành nữ từng trải qua cảm giác là kẻ mạo danh ở một số thời điểm trong sự nghiệp, 81% tin rằng họ tự đặt ra nhiều áp lực để bản thân kém cỏi hơn nam giới.
Theo Her World, thỉnh thoảng đoán già đoán non về bản thân hoặc đối mặt với sự bất an trong công việc là điều tự nhiên, nhưng những cá nhân trải qua hội chứng kẻ mạo danh có xu hướng cảm nhận sâu sắc hơn rằng thành tích của họ không được đánh giá cao hoặc người khác có đủ năng lực tốt hơn cho công việc.
Phủ nhận năng lực bản thân
"Hội chứng kẻ mạo danh thường xuất hiện khi mọi người không xác định được năng lực của mình, dù có sự xác nhận từ bên ngoài về sự thành công của họ", Lai Han Sam (thường gọi là Sam) - người sáng lập Lifework Global - giải thích. "Những cảm giác thiếu sót này dai dẳng, làm giảm thành tích của họ".
Suhina Singh - một nhà chiến lược, đầu tư về sức khỏe kỹ thuật số và là bác sĩ y khoa, đồng thời là thành viên của HerWorldTribe - cũng không lạ lẫm với khái niệm kẻ mạo danh.
"Thành thật mà nói, tôi chỉ biết hội chứng kẻ mạo danh là gì vào năm 2012 khi bạn bè và đồng nghiệp thân thiết nói rằng tôi mắc phải hội chứng này. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng mình đã sống chung với nó trong suốt sự nghiệp và vẫn đang như vậy".
|
Phụ nữ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ hội chứng kẻ mạo danh. |
Trong khi cuộc "khủng hoảng niềm tin" ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ, dường như phái nữ cảm nhận sâu sắc hơn về nó.
"Điều này có thể xuất phát từ kỳ vọng của phụ nữ về bản thân do xu hướng cầu toàn, vì vậy họ tự phê bình hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam", Sam nói.
Cô cũng cho rằng hội chứng kẻ mạo danh đi kèm với những nỗi sợ như "Họ sẽ phát hiện ra tôi không giỏi đến mức đó", "Tôi đã mắc quá nhiều sai lầm". Chúng phản ánh kỳ vọng của phụ nữ đối với bản thân.
"Việc không ngừng nỗ lực hướng tới sự hoàn hảo, đồng thời đảm đương nhiều vai trò như một nhân viên chuyên nghiệp, người mẹ, người vợ, con gái hoặc chị gái, tạo thêm gánh nặng cho cảm giác như họ không đủ giỏi".
Vượt qua nỗi sợ tâm lý
Tự đánh giá mình là người cầu toàn và có kiểu tính cách INTJ (hướng nội, trực giác, suy nghĩ và đánh giá), Suhina nói rằng năng lực là điều cô coi trọng.
"Kết quả là tôi liên tục tìm kiếm kiến thức, hy vọng rằng nó sẽ lấp đầy khoảng trống của sự thiếu tự tin", Suhina cho hay.
Để tăng cường sự tự tin cho bản thân, Suhina đã đăng ký một chương trình MBA điều hành tại Insead.
"Khi tôi nói chuyện với các nhà đầu tư khác nhau, tôi thấy họ cần ý kiến đóng góp của tôi vì họ không có kinh nghiệm chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe như tôi. Tôi thực sự đã biết nhiều hơn những gì mình nghĩ", cô cho biết.
Suhina cũng cho rằng việc theo đuổi sự hoàn hảo là một vòng luẩn quẩn trong suy nghĩ.
"Tôi không biết mọi thứ nên tôi không thể lãnh đạo người khác - đó là suy nghĩ sai lầm. Nếu nhìn vào các nhà lãnh đạo, bạn sẽ nhận ra không ai biết 100% về mọi thứ. Họ được hỗ trợ bởi một nhóm có khả năng và chuyên môn kỹ thuật khác nhau. Bạn không cần phải là một cuốn bách khoa toàn thư di động".
|
Để vượt qua khủng hoảng "nghi ngờ bản thân", mỗi người cần biết cách chấp nhận thành công của mình. |
Lai Han Sam nói rằng "kẻ mạo danh" có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng cảm xúc đó rõ ràng hơn trong thời điểm thành công và khi người khác bắt đầu công nhận thành công của một người.
"Đây như một sự thật đầy mỉa mai, khi mà ai đó càng nói rằng bạn làm tốt, bạn lại làm chệch hướng lời khen hoặc coi nó chỉ là may mắn, nghĩ rằng mình đã không làm việc chăm chỉ và không xứng đáng. Cuối cùng chúng ta hạ thấp hoặc phủ nhận khả năng và thành công của mình".
Một số phụ nữ gặp khó khăn khi thừa nhận hoặc chấp nhận sự thật rằng nhờ sự lãnh đạo của mình mà nhóm thành công. Họ thường nói rằng "đó là thành công nhờ tập thể", dù thực tế phải có lãnh đạo giỏi mới có được điều ấy.
"Khi tôi làm tốt điều gì đó và được mọi người khen ngợi, tôi thường từ chối công lao, cho đến khi mọi người phải hỏi 'Sao bạn không đơn giản nói 'cảm ơn' thôi", Shireena chia sẻ.
Muốn vượt qua hội chứng kẻ mạo danh cần một thời gian cố gắng rèn luyện. Chuyên gia Lai Han Sam đưa ra lời khuyên về 3 bước luyện tập để giúp những người gặp hội chứng tâm lý này kiểm soát được nó:
Trước tiên, cần chấp nhận sự khó chịu khi người khác khen ngợi mình. Thừa nhận và chấp nhận cảm giác đó.
Bước thứ 2, tiếp nhận sự công nhận từ người khác về năng lực của mình. Hãy nhớ lời khen là món quà từ người kia.
Bước 3, cảm ơn khi người khác khen mình. Chỉ cần chấp nhận lời khen ngợi mà không cần cố gắng chối bỏ nó hay làm thêm điều gì khác.
Theo Zing