Nằm ở thành phố Dax, tỉnh Landais, các quán cà phê, cửa hàng, tiệm làm tóc, siêu thị nhỏ và thư viện làng Landais Alzheimer mở cửa hàng ngày. Cư dân thường trò chuyện trên sân hiên, gặp nhau tại công viên hoặc phòng tập thể dục trước khi trở về nhà riêng. Điểm khác biệt là tất cả dân làng đều mắc hội chứng Alzheimer, căn bệnh cướp đi trí nhớ và không có cách nào chữa khỏi.
Độ tuổi trung bình của người dân là khoảng 79. Trong làng, 240 nhân viên y tế và tình nguyện viên luôn sẵn sàng giúp đỡ người dân trong công việc hàng ngày, điều mà đối với một số người thực hiện nó vô cùng khó khăn.
"Mỗi người dân có phòng riêng và sinh sống theo nhịp điệu của họ. Người dậy từ lúc 6 giờ sáng không làm ảnh hưởng đến những ai thích ngủ ngày", Aurelie Bouscary, một thành viên trong nhóm hỗ trợ, chia sẻ.
Ngôi làng chỉ cách Paris ba giờ rưỡi ngồi tàu điện và là điểm dừng của nhiều bệnh nhân Alzheimer. Hiện tại, dân số của làng là 120 người, không kể nhân viên y tế.
Lấy cảm hứng từ dự án tương tự tại Hà Lan, ngôi làng cho người bệnh Alzheimer thử nghiệm ở Dax được các chuyên gia Nhật Bản và Italy theo dõi kỹ lưỡng. Đây là những quốc gia có dân số già, đang tìm kiếm một mô hình chăm sóc mới, nhân văn hơn đối với người cao tuổi bị đãng trí.
Mục đích chính của ngôi làng là cho phép cư dân gìữ mối quan hệ thân thiết với những người thân yêu và không có cảm giác bị cô lập. Các chuyên gia tìm cách "duy trì tương tác hàng ngày giữa ngôi làng và thế giới bên ngoài", trang web của chương trình nêu rõ. "Thực tế, dự án Landais muốn thay đổi quan điểm của xã hội về Alzheimer, nâng cao nhận thức về hành vi gây ra bởi căn bệnh, từ đó giúp điều chỉnh góc nhìn của công chúng về nó".
Trong số 120 bệnh nhân có 10 người dưới 60 tuổi. Cư dân trẻ nhất chỉ khoảng 40.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 10 triệu người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ nói chung, trong đó Alzheimer chiếm khoảng 2/3 số trường hợp. Con số đã tăng vọt khi tuổi thọ trung bình ở nhiều khu vực tăng cao nhờ vào tiến bộ y tế và các lĩnh vực khác.
Các triệu chứng thường tiến triển từ đãng trí, quên đến mất trí nhớ nghiêm trọng. Đây là lúc người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ bên ngoài, không nhận thức được thời gian, địa điểm. Trầm cảm cũng là yếu tố kéo theo. Cuối cùng, người bệnh có thể còn quên cả cách ăn uống.
Liệu pháp hội nhập cộng đồng
Làng Landais được thành lập để giúp người mắc chứng đãng trí hưởng một cuộc sống bình thường nhất có thể. Làng bao gồm 4 "khu phố", mỗi khu phố có 4 ngôi nhà với khoảng 8 người sinh sống.
Người dân không được phép rời khỏi khu đất rộng 5 ha, nhưng bạn bè và gia đình họ có thể tự do tới thăm và tản bộ trên những con đường yên tĩnh. Các địa điểm họ thường xuyên lui tới là ao cá và công viên. Họ cũng có thể dùng bữa trong khu vực ăn uống tập thể và được bố trí để giúp đỡ các công việc nhẹ nhàng, như sắp xếp bàn ăn dưới sự hỗ trợ của một nhân viên.
"Nhiệm vụ của tôi vẫn là trông nom họ. Nhưng nó hoàn toàn khác với các mô hình hiện có. Tôi cảm giác như có thể làm tốt công việc của mình hơn", bà Aurelie Bouscary cho biết.
Ngôi làng bắt đầu hoạt động kể từ tháng 6, chỉ vài tuần sau khi Pháp nới giãn cách xã hội hậu Covid-19. Khoảng thời gian phải xa cách người thân khiến các bệnh nhân trong trung tâm chăm sóc thông thường cảm thấy đặc biệt khó khăn.
Nathalie Bonnet, một chuyên gia tâm lý trong cộng đồng này, cho biết: "Kể từ tháng 6, họ đã có thể lấy lại sự thoải mái, tự do và yên bình. Họ tìm được động lực và tiếp tục hoạt động thường ngày. Vì luôn có người túc trực để giúp giải quyết các cơn lo âu hoặc trầm cảm, họ bình tĩnh nhanh hơn. Do đó, các đơn thuốc điều trị được giảm bớt".
Trong thời gian đại dịch hoành hành, ngôi làng bị hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Song sắp tới, người dân sẽ lại được cắt tóc ở cửa tiệm, tham dự các buổi ca nhạc, lễ hội.
Chính phủ Pháp đã đầu tư khoảng 33 triệu USD để xây dựng ngôi làng, phí vận hành hàng năm là khoảng 6,7 triệu USD. Các cơ quan nhà nước đài thọ tiền thuê phòng khoảng 79 USD cho mỗi người nơi đây.
Theo vnexpress