leftcenterrightdel
 Alibaba đưa ra những chính sách có lợi cho người bán ngày Lễ độc thân 11/11. Ảnh:Bloomberg

Đối với Alibaba, công ty sở hữu nền tảng Taobao và Tmall đang thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh đang ở ngay trước mắt họ.

Theo SCMP, những công ty mới tham gia thị trường như Pinduoduo, nền tảng của PDD Holdings, đang tập trung vào việc săn hàng giá siêu hời và Douyin của ByteDance đã mở rộng mạnh mẽ sang thương mại điện tử phát trực tiếp, hình thức đang dần chiếm nhiều thị phần thương mại điện tử toàn cầu.

Âm thầm điều chỉnh chiến thuật giá cả

Để cạnh tranh với các đối thủ khác, Alibaba đã âm thầm điều chỉnh chiến thuật của mình.

Nền tảng đã tránh xa cuộc chiến giá cả khốc liệt trong lĩnh vực này và tìm cách tạo ra sự cân bằng mới giữa người mua và người bán. Các nhà phân tích nhận định sự thay đổi đó hiện mang lại hiệu quả cho Alibaba.

Ông Jacob Cooke, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của WPIC Marketing + Technologies, một công ty tư vấn công nghệ và thương mại điện tử cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 42 triệu thành viên VIP của nền tảng, hay còn được gọi là thành viên 88VIP đã chứng minh Alibaba đang đi đúng hướng.

leftcenterrightdel
 Lễ độc thân 11/11 là sự kiện bán hàng lớn đối với các nhà bán lẻ trên sàn TMĐT Trung Quốc. Ảnh:SCMP 

“Họ dành sự quan tâm lớn đối với người dùng 88VIP của mình. Điều này có nghĩa là họ thực sự tập trung vào tệp khách hàng cao cấp và đó là điểm nổi bật thực sự của Alibaba”, ông nói

Vào ngày 8/11, 60% thành viên 88VIP của Alibaba có mức chi trung bình tăng 30% vào sự kiện Lễ độc thân 11/11.

Dylan Zhang, người điều hành cửa hàng thuộc thương hiệu dầu cá Bỉ WHC cho biết ông rất chú trọng đến mùa mua sắm 11/11.

Theo vị này, những thay đổi về chính sách đã làm giảm áp lực về giá cả cho các nhà bán hàng. Đây là một sự thay đổi lớn khi người bán phải tìm nhiều cách thu hút người tiêu dùng bằng mức giá cực thấp trong suốt thời gian dài.

Đồng thời, các kế hoạch mới trong năm nay giúp người bán đạt nhiều lợi ích hơn, bao gồm cam kết của Alibaba về nguồn lực trị giá gần 1,4 tỷ USD, nhằm giúp các nhà bán hàng tăng lượng truy cập.

“Chúng tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Đầu năm nay, Tmall vẫn thúc giục các gian hàng đưa ra giá bán thấp nhất trên tất cả nền tảng. Nhưng sau lễ hội mua sắm vào tháng 6, nền tảng đã không còn quá chú trọng về giá cả”, Zhang nói thêm.

Vào tháng 8, Alibaba bắt đầu nới lỏng chính sách gây tranh cãi “hoàn tiền không trả lại”. Đối với chính sách này, khách hàng được phép yêu cầu hoàn tiền mà không phải trả lại sản phẩm nếu họ không hài lòng. Tuy nhiên, quy định này khiến nhiều người bán không thoải mái.

Li Yuan, chủ cửa hàng giày thể thao mở cửa được 4 năm trên Taobao, cho biết sàn TMĐT này đã chấp thuận các yêu cầu hoàn trả mà không có lựa chọn nào khác để phản đối. “Đây là một vấn đề rất đau đầu đối với mọi người bán và tôi rất vui khi thấy Alibaba vào cuộc với vấn đề này”, Yuan chia sẻ.

Điều này đã phản ánh một chiến lược có quy mô lớn từ "gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc, nhằm xây dựng lòng tin nơi người bán. Đây cũng được coi là sự phản hồi liên quan đến lời kêu gọi gần đây của chính phủ để chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Giảm chi phí hoàn trả

Các nhà điều hành nền tảng khác cũng đã thực hiện các thay đổi về hoạt động để ngăn chặn cuộc chạy đua về giá cả cực thấp và chất lượng sản phẩm. Vào tháng 9, Pinduoduo đã bắt đầu “cấm cửa” những người bán hàng giả.

Theo ông Zong Bu, người giám sát trải nghiệm dịch vụ thương mại tại Taobao và Tmall Group (TTG), chiến lược cốt lõi của Alibaba là dần rút khỏi việc quản lý người bán, đồng thời trao cho họ nhiều quyền tự chủ hơn trong các hoạt động kinh doanh.

Cũng trong một động thái khác, Alibaba đã ra mắt dịch vụ mới trước Lễ độc thân mang tên Tuihuobao, giúp giảm chi phí hoàn trả lại cho người bán.

Chỉ sau 2 tháng điều chỉnh chính sách hoàn tiền, TTG cho biết trung bình có hơn 400.000 yêu cầu hoàn tiền bị từ chối mỗi ngày.

Trong khi đó, dịch vụ Tuihuobao đã phục vụ hơn 1 triệu người bán và giúp họ cắt giảm 30% chi phí hậu cần đối với các mặt hàng bị trả lại vào tháng 10.

Sự cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử đã bắt đầu lắng xuống khi các công ty công nghệ lớn bắt đầu phá bỏ các rào cản. Người bán trên Taobao và Tmall hiện có thể chọn chấp nhận thanh toán từ WeChat Pay của Tencent Holdings và người bán trên JD.com có thể chọn sử dụng dịch vụ hậu cần Cainiao của Alibaba.

“Cạnh tranh nói chung đã bắt đầu lắng xuống. Các công ty Internet từng là đối thủ, nhưng giờ họ đang hợp tác cùng nhau”, Kenneth Fong, Giám đốc nghiên cứu Internet Trung Quốc tại UBS, cho biết.

Dù vậy, tại thị trường nước ngoài, sự cạnh tranh giữa các công ty này vẫn đang gia tăng thông qua việc các hãng theo đuổi chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới, để phòng ngừa tình trạng chi tiêu yếu của người tiêu dùng trong nước.

Vào tháng 7, Alibaba đã công bố chương trình miễn phí vận chuyển toàn cầu cho các gian hàng đủ điều kiện trên Taobao và Tmall. Chương trình này cho phép họ bán trực tiếp cho khách hàng ở các nước khác, nhằm ứng phó với sự thành công ngày càng tăng của Shein và Temu tại nước ngoài.

Đầu năm nay, công ty đã ra mắt Quanzhantui, một công cụ tiếp thị kỹ thuật số có trả phí.

Alibaba cho biết hơn 250.000 thương gia đã sử dụng Quanzhantui để bán 1,3 triệu sản phẩm vào ngày đầu tiên của đợt bán hàng Lễ độc thân 11/11 hồi tháng trước. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa rõ dịch vụ này sẽ có tác động như thế nào đến doanh thu.

Với ngày Lễ độc thân sắp kết thúc, hiệu suất bán hàng cuối cùng của Alibaba sẽ được các nhà phân tích và nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Đây như một thước đo về mức độ tác động của các chiến lược mới của công ty và sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo znews