leftcenterrightdel
 Ngôi làng truyền thống Penglipuran ở phía đông Bali, Indonesia hiện thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Theo chính phủ Indonesia, du khách đang đổ xô trở lại Bali sau đại dịch. Năm 2023, có gần 5,3 triệu lượt khách đã đến đây, vượt mục tiêu 4,5 triệu lượt. Năm nay, dự kiến lượng khách sẽ còn đạt kỷ lục, dự kiến lên đến 7 triệu lượt.

Đi kèm với lượng du khách tăng đột biến, cuộc sống của người dân Bali cũng bị đảo lộn. Thậm chí, tháng 5/2023, Thống đốc Bali lúc bấy giờ là Wayan Koster, đã đề xuất giới hạn số lượng du khách, với lý do là hành vi cư xử không đúng mực của khách du lịch. Đề xuất không thành hiện thực, hòn đảo này vẫn tiếp tục vật lộn với vị thế là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Indonesia.

Năm 2023, Bali đã trục xuất 340 người nước ngoài, tăng từ 188 người so với năm 2022, chủ yếu là các khách đến từ Nga, Mỹ, Anh và Nigeria. Những hành vi vi phạm của họ bao gồm ở lại quá hạn, làm việc bất hợp pháp và ăn mặc thiếu chuẩn mực ở những nơi linh thiêng.

Vào tháng 2/2024, chính quyền địa phương đã thành lập một đơn vị cảnh sát du lịch mới, để đối phó với các khách du lịch trong và ngoài nước có vấn đề.

Hơn 70 cảnh sát du lịch đã được triển khai tại các quận nổi tiếng như Canggu, Seminyak và Kuta. Một phần công việc của họ là đảm bảo rằng khách du lịch ăn mặc phù hợp - ví dụ như đeo khăn choàng được cung cấp - trong các ngôi đền ở Bali.

Nhiều khu vực Bali liên tục tắc nghẽn giao thông vì lượng khách quá lớn.
Nhiều khu vực Bali liên tục tắc nghẽn giao thông vì lượng khách quá lớn.

Lượng khách du lịch tăng cao không chỉ làm phát sinh những hành vi sai trái, mà nó còn đang gây căng thẳng về tài nguyên và làm hoen ố hình ảnh của Bali, vì sự phát triển tràn lan, tình trạng quá tải và tắc nghẽn giao thông.

Bali đã gây chú ý vào tháng 12/2023, khi tình trạng ùn tắc giao thông trên đường thu phí buộc mọi người phải đi bộ tới 4 km để đến sân bay. Ngoài ra, còn có tình trạng ùn tắc liên tục trên các con đường dẫn đến các địa điểm yêu thích.

Nyoman Sukma Arida, phó trưởng khoa du lịch tại Đại học Udayana của Bali, cho biết: “Nền kinh tế của người dân địa phương đang ngày càng tốt hơn nhưng môi trường xung quanh chúng ta đã thay đổi… Chúng ta đang đối mặt với sự phát triển mất kiểm soát, trong đó gần 90% trong số đó không quan tâm đến môi trường”.

Ngay cả ruộng bậc thang Jatiluwih ở trung tâm Bali – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và là một trong những lý do khiến du khách ghé thăm hòn đảo – cũng có nguy cơ bị đô thị lấn chiếm. Khoảng 65% lượng nước ngầm của Bali được dùng cho ngành du lịch, làm cạn kiệt hơn một nửa số sông trên đảo.

Đối với nhà tư vấn du lịch Lenny Pande, nghệ thuật, văn hóa, truyền thống và môi trường là bốn trụ cột của du lịch và rất quan trọng với Bali nhưng hiện tại, cô nhận thấy rằng “việc bảo tồn những trụ cột đó đang giảm đi đôi chút” do sự phát triển quá mức.

Khi mối lo ngại về tác động của tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng, chính phủ Indonesia đã hứa hẹn về một tương lai bền vững hơn cho Bali.

Tháng 7/2023, chính quyền địa phương đã ban hành các hướng dẫn mới về sự phát triển của Bali trong 100 năm tới (2025 - 2125), trong đó bao gồm việc bảo vệ thiên nhiên, văn hóa và người dân Bali. Dẫu vậy, sự hiệu quả của các kế hoạch này vẫn còn cần thời gian để kiểm chứng.

Theo phụ nữ TPHCM