Vincent Trần là chuyên gia trang điểm gốc Việt, hiện làm việc với vai trò casting director cho buổi chụp của các tạp chí thời trang danh tiếng thế giới. Anh đã có hơn 15 năm làm việc tại Hollywood, từng tiếp xúc với nhiều ngôi sao hàng đầu như Neymar, Miss Universe Pia Wurtzbach, Stella Maxwell...
Trả lời Zing về công việc của bản thân, Vincent Trần cho biết giới thời trang nói riêng và ngành giải trí nói chung không hề hào nhoáng, luôn tràn đầy mồ hôi và nước mắt. Nhưng anh tin rằng chỉ cần nỗ lực làm việc, mỗi cá nhân sẽ nhận được đền đáp xứng đáng.
"Tôi sốc khi nghe về scandal của Ngô Diệc Phàm"
- Kris Wu (Ngô Diệc Phàm) - một trong những nghệ sĩ châu Á anh từng hợp tác - đang vướng phải scandal nghiêm trọng. Suy nghĩ của anh trước những cáo buộc như hiếp dâm, môi giới phụ nữ... của nghệ sĩ này?
- Tôi bàng hoàng khi xem được tin tức về Ngô Diệc Phàm. Từng tiếp xúc qua, tôi không thể tưởng tượng được anh ấy có liên quan đến những việc nghiêm trọng về đạo đức như vậy. Đây là suy nghĩ thật lòng, vì khi làm việc cùng, tôi bắt gặp một Ngô Diệc Phàm hòa nhã hơn.
Chuyên gia gốc Việt từng hợp tác với Ngô Diệc Phàm. Ảnh: NVCC.
Buổi làm việc giữa tôi và Ngô Diệc Phàm kéo dài khoảng 5 tiếng. Anh ấy tự lái xe đến studio cùng quản lý, chỉ có hai người. Vào địa điểm chụp, Ngô Diệc Phàm chủ động chào hỏi mọi người, bắt tay và giới thiệu bản thân.
Khoảng thời gian làm việc chỉ dài 5-6 tiếng nhưng lúc ấy, Ngô Diệc Phàm tạo cho tôi và ê-kíp thiện cảm. Tôi từng làm việc với nhiều ngôi sao Hollywood, Hoa ngữ, Kpop, và nói thật ít người lần đầu tiên gặp đã nhiệt tình như Ngô Diệc Phàm. Vì vậy, tin tức phạm tội của anh ấy là cú sốc lớn cho tôi.
- Sau khi Ngô Diệc Phàm bị tạm giam, mọi sản phẩm nghệ thuật liên quan đến nam ca sĩ đều bị gỡ bỏ. Quan điểm của anh về cách làm này của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật ở Trung Quốc?
- Các sản phẩm nghệ thuật liên quan đến người vướng vào pháp luật như Ngô Diệc Phàm đều bị tháo bỏ là chuyện rất bình thường, đặc biệt ở Trung Quốc. Tôi từng chứng kiến sự việc tương tự với Phạm Băng Băng.
Khi cô ấy vướng vào scandal trốn thuế, các sản phẩm liên quan đến Phạm Băng Băng đều bị gỡ bỏ. Thời điểm ấy, ê-kíp của Phạm Băng Băng đã liên hệ với chúng tôi đề nghị giúp đỡ vượt qua giai đoạn khó khăn.
- Tức là Phạm Băng Băng và ê-kíp của cô ấy chủ động tìm tới anh cầu cứu trong thời điểm bị cấm hoạt động ở Trung Quốc?
- Thời điểm ấy, truyền thông Trung Quốc và nhiều nước châu Á đều không chấp nhận đăng tải tin tức hay hình ảnh của Phạm Băng Băng. Nhưng ê-kíp của tôi lại làm việc với nhiều tờ báo trên khắp thế giới, nên phía Phạm Băng Băng đã liên lạc và muốn hợp tác.
Vì Phạm Băng Băng không được xuất cảnh, nên tôi và ê-kíp đã đáp chuyến bay tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để chụp ảnh với cô ấy. Buổi làm việc diễn ra khoảng 10 tiếng, chụp hình cho 3-4 tờ tạp chí khác nhau.
Suốt thời gian làm việc, Phạm Băng Băng luôn thể hiện thái độ chuyên nghiệp, hợp tác với mọi yêu cầu về hình ảnh của ê-kíp. Nhưng chúng tôi không được tự ý chụp ảnh hậu trường của cô ấy, phía Phạm Băng Băng có yêu cầu bảo mật hình ảnh.
Loạt ảnh Vincent Trần tạo hình cho Phạm Băng Băng. Ảnh: NVCC.
Sao Hollywood yêu cầu cao, tốn 3.000 USD phục vụ đồ ăn
- Ngoài Ngô Diệc Phàm và Phạm Băng Băng, anh đã làm việc với nhiều ngôi sao Hollywood, hoa hậu, người đẹp... Ai là người để lại cho anh ấn tượng lớn nhất?
- Khi làm việc, mỗi ngôi sao đều có những yêu cầu riêng theo sở thích, cá tính của họ, nên thực tế mà nói thì không ai quá khó tính hay cũng không ai hoàn toàn dễ tính. Để có hiệu quả công việc tốt nhất, tôi phải tìm hiểu về tính tình, phong cách hay những điều họ không thích trước khi vào set chụp. Khi đã nắm bắt được những điều cơ bản trong thói quen của nghệ sĩ, công việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi hơn.
Với tôi, rapper gốc Việt Tyga là người dễ tính và thoải mái nhất tôi từng hợp tác. Anh ấy lễ phép, tự giới thiệu bản thân và bắt tay tất cả nhân viên ê-kíp có mặt ở studio.
Khi được hỏi về bữa trưa, Tyga không yêu cầu gì cao sang, chỉ muốn thức ăn nhanh và uống một ly nước ngọt. Điều này hoàn toàn trái với các ngôi sao Hollywood khác. Những người khác luôn yêu cầu nhiều loại thức ăn, đồ uống đắt đỏ, nhiều lần chúng tôi tốn tới 3.000 USD tiền đồ ăn để phục vụ ở trường quay nhưng họ không hề đụng đến dù chỉ một miếng.
- Làm việc với các ngôi sao châu Á như Tiffany Young, Miss Universe Pia Wurtzbach khác gì khi làm việc với các ngôi sao Âu Mỹ như Stella Maxwell, Chris Brown, Ava Max, Neymar...?
- Theo tôi, các ngôi sao châu Á hòa đồng và vui vẻ hơn, hay đùa giỡn với ê-kíp hơn các sao Âu Mỹ. Sao Âu Mỹ, chẳng hạn Neymar, thường nghiêm nghị hơn một chút, ít cười nói. Do họ toát ra vẻ ngoài lạnh lùng, chuyên nghiệp nên tôi cũng phải tự nhắc mình phải nghiêm túc hơn, tỏ rõ sự chuyên nghiệp của bản thân ở mức tối cao.
Một trong những người tôi nhớ rõ khi làm việc cùng là Neymar. Anh ấy tới buổi chụp với 3 trợ lý, ít trò chuyện, chỉ chào hỏi rồi bắt đầu làm việc ngay. Là ngôi sao lớn nhưng Neymar không yêu cầu gì quá nhiều về hình ảnh, trang phục, đưa gì mặc nấy. Góc máy chụp, chất lượng hình ảnh cũng không đòi hỏi gì.
Sau khi hoàn thành công việc, Neymar trở nên vui vẻ hơn, thoải mái chụp hình cùng tôi và ê-kíp. Tôi cũng tiếc vì bản thân chưa kịp xin chữ ký Neymar. (cười).
Vincent Trần khen ngợi rapper gốc Việt Tyga và nhận xét nghệ sĩ Âu Mỹ thường lạnh lùng, nghiêm khắc. Ảnh: NVCC.
Mất 15 năm gây dựng sự nghiệp ở Hollywood
- Là người Việt làm việc ở Hollywood, anh mất bao lâu và phải trải qua những khó khăn gì để có được công việc ngày nay?
- Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu sự nghiệp với công việc chuyên viên trang điểm, làm tóc cho các trung tâm ca nhạc của người Việt ở hải ngoại. Sau đó, tôi chuyển sang làm việc cho các ê-kíp chuyên nghiệp, làm thuần về thời trang.
Mất 15 năm, tôi mới được các nghệ sĩ Hollywood và ngành thời trang ở Mỹ chú ý. Bây giờ nghĩ lại, tôi chợt nhận ra mình đã đi được chặng đường rất dài và trải qua nhiều thăng trầm.
Ban đầu, tôi dự định vừa làm chuyên gia trang điểm, vừa theo học đạo diễn nghệ thuật (art director) và sản xuất (producer). Góp mặt trong các buổi chụp hình tạp chí thời trang giúp tôi có nhiều kinh nghiệm và dần thăng tiến trong công việc.
Khi dịch Covid-19 nổ ra vào cuối năm 2019, tôi không thể đáp chuyến bay đến những buổi chụp của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như trước nữa. Do đó, tôi chuyển sang làm casting director.
- Casting director là khái niệm còn xa lạ với hầu hết khán giả Việt Nam. Anh có thể giải thích rõ ràng?
- Casting director tức là người lựa chọn và kết nối các nghệ sĩ với những dự án thời trang của nhiều tạp chí nổi tiếng.
Mô tả cụ thể hơn, ban đầu tôi sẽ nhận dự án hình ảnh bên tạp chí mong muốn, sau đó tôi liên lạc với các đơn vị quản lý để tìm kiếm và quyết định ai sẽ là mẫu chính của trang bìa hay dự án thời trang đó.
Tiếp theo, tôi sẽ lựa chọn và liên lạc ê-kíp gồm stylist, nhiếp ảnh gia, thợ trang điểm và làm tóc... Khi ê-kíp sẵn sàn, tôi cùng họ bàn bạc và đưa ra mood board (ý tưởng, màu sắc, bố cục của bộ ảnh) rồi gửi cho đơn vị quản lý nghệ sĩ và tạp chí. Nếu được thông qua, buổi chụp sẽ tiến hành theo kế hoạch tôi và ê-kíp đã đưa ra, nếu cần sửa, chúng tôi sẽ sửa trước khi tiến hành dựng studio.
Ban đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không được các ngôi sao lớn tin tưởng, đặc biệt khi mình là người châu Á. Nhưng sau đó, ngành công nghiệp thời trang và các nghệ sĩ cũng nhận thấy tôi đã siêng năng, chăm chỉ thế nào, nên dần nhìn nhận thực lực và cởi mở với tôi hơn.
Anh khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, mất 15 năm để bước chân vào thị trường Hollywood. Ảnh: NVCC.
- Điều anh vừa đề cập tới chính là tình trạng phân biệt chủng tộc (đặc biệt với người châu Á) - vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi và tồn tại nhiều năm nay trong ngành thời trang?
- Đúng thế. Nhưng tôi cho rằng nếu đủ nhiệt huyết và chăm chỉ, kiên trì, từ từ rồi họ cũng sẽ công nhận người châu Á thôi. “Cứ đi, rồi sẽ đến”, đây là châm ngôn tôi yêu thích, và là kim chỉ nam trong nghề của tôi. Và hiện nay, chẳng phải cũng có nhiều người châu Á thành công trong ngành thời trang nói riêng và Hollywood nói chung đó sao?
Nghề nghiệp của tôi không hào nhoáng. Nhìn những chuyến đi khắp thế giới để chụp hình có vẻ hoành tráng, xa hoa, nhưng thực tế tôi và ê-kíp luôn ở trong tình trạng mệt mỏi vì cường độ làm việc cao.
Chúng tôi phải bay liên tục, đi khắp thế giới trong những ngày ngắn ngủi. Có lần, chúng tôi từ Mỹ sang Pháp trong 2 ngày, ê-kíp làm việc xong chỉ kịp ăn uống rồi ngủ một đêm, sáng hôm sau phải ra sân bay trở lại New York để lao vào buổi chụp cho ngôi sao khác. Đôi khi, chúng tôi thậm chí không có thời gian để nhận ra rằng mình bị jet lag (ảnh hưởng do chênh lệch múi giờ).
Thep Zing